Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, đến thời điểm hiện tại, giá gạo Việt Nam đang tăng so với giá gạo của các nước Thái Lan và Pakistan. Kết thúc tuần vừa qua, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức 575 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 14 USD/tấn, và cao hơn gạo Pakistan 34 USD/tấn.
Giá xuất khẩu gạo tăng cao (Ảnh minh hoạ) |
Tương tự, gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng lên 539 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan, Pakistan lần lượt là 27 USD/tấn và 22 USD/tấn. So với các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, gạo Việt xuất khẩu đang có mức giá cao nhất. Đây cũng là sự trở lại ấn tượng của gạo Việt bởi cách đây một tháng, giá gạo xuất khẩu của nước ta đều thấp hơn gạo Thái Lan, Pakistan, và Myanmar. Đặc biệt, sau vụ trúng thầu xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn gạo sang Indonesia nhờ doanh nghiệp trả giá thấp vào tháng 6, giá gạo Việt liên tục giảm mạnh, về mức thấp nhất thế giới.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7 vừa qua, nước ta xuất khẩu hơn 751.000 tấn gạo, thu về gần 452 triệu USD. So với tháng trước đó, xuất khẩu gạo tăng mạnh 46,3% về lượng và tăng tới 39,7% về giá trị.
Tính chung 7 tháng năm 2024, nước ta đã xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, giá trị ước đạt 3,34 tỷ USD. Lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 8,3% nhưng giá trị tăng mạnh 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo bình quân của nước ta trong 7 tháng đầu năm đã đạt 632 USD/tấn, tăng tới 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng ở hầu hết các các nước nên nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo thị trường sẽ sôi động trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, Indonesia mới đây cho biết có thể nhập khẩu đến 4,5 triệu tấn gạo thay vì 3,6 triệu tấn như thông báo từ đầu năm 2024.
Ngoài Indonesia, mới đây, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines cũng dự báo tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên tới 4,5 - 4,7 triệu tấn trong năm 2024. Philippines là khách hàng truyền thống của gạo Việt Nam.
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo cho Việt Nam càng lớn khi tháng 8 này, chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% hiện hành xuống còn 15% của Philippines có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay, các khách hàng từ Philippines và Trung Quốc qua Việt Nam đàm phán rất nhiều để mua những hợp đồng lớn…
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm đa dạng hóa các loại hình gạo xuất khẩu và mở rộng các thị trường tiêu thụ mới. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore... ở mức cao và tăng lên. Ngoài ra, các DN xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4-8 triệu tấn gạo, kim ngạch dự báo sẽ vượt con số 5 tỷ USD.
Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả; thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.