Tiêu điểm

Trái cây Việt 'gõ cửa' thị trường khó tính


Dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, song nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam vẫn được đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, là tín hiệu để ngành hàng này phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận tìm được đường vào thị trường khó tính đã khó nhưng để giữ, để xây dựng được thương hiệu thì chắc chắn sẽ khó hơn nhiều.  

Tỉnh Bắc Giang đang trong tâm dịch COVID-19 nhưng không vì thế mà đơn hàng đặt mua vải thiều để xuất khẩu tới các thị trường lớn giảm đi. Sáng 8/6, Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã thu hút nhiều nhà mua hàng đến từ Nhật Bản, Úc, Singapore... Riêng với Nhật Bản, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang thị trường này.

Thị trường lớn mở cửa chào đón 

Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, quả vải thiều Việt Nam đã gây được hiệu ứng tốt tại Nhật Bản, các công ty Nhật dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong vụ 2021 lên gấp nhiều lần.

qua-vai-thieu-dk-chon-loc-XK-s-9957-3994

Những trái vải tươi được xử lý bằng công nghệ hiện đại để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường khó tính. 

Ông Ngô Văn Liên, Giám đốc HTX vải thiều Cầu Đền (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết hiện đã có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký mua vải với giá khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg. HTX có 13 hộ thành viên, với 50ha vải thiều được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Dự kiến, sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn của HTX khoảng 400 tấn.

Theo ông Liên, nhờ canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên chất lượng vải thiều của HTX Cầu Đền đạt cao nhất từ trước đến nay, lại có doanh nghiệp đăng ký bao tiêu, nên bà con nông dân rất yên tâm về đầu ra dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Mới đây, lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu tới thị trường EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thông tin lô trái vải đầu tiên sẽ đi đường hàng không và “cập bến” Cộng hoà Séc – nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì EU.

Ông Chung Trí Phong, Tổng Giám đốc Pacific Foods cho biết, doanh nghiệp này có khoảng 3 năm tìm hiểu và đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu vải thiều sang EU. Hành trình để quả vải đến được tay người tiêu dùng châu Âu không hề đơn giản. Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lý sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát.

"Chúng tôi cũng liên kết với nhiều đối tác trong việc đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, đảm bảo từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng, nhờ vậy trái vải sẽ sớm được người tiêu dùng tại châu Âu ưa chuộng, đánh giá cao do chất lượng vượt trội, thơm ngon và an toàn", ông Phong nói.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hàng nông sản của Việt Nam rất tiềm năng. Đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như vải, thanh long, mít, xoài, nhãn, bưởi… Hiện nay, trái cây của Thái Lan và Malaysia xuất qua các nước rất nhiều, vừa là thách thức cũng như cơ hội cho trái cây Việt Nam. Bởi thị trường EU luôn muốn trải nghiệm những sản phẩm đến từ Việt Nam như là một phần đặc sản của vùng hạ lưu sông Mê Kông. Tuy nhiên, hàng nông sản của Việt Nam muốn các sản phẩm vươn đi các nước, đầu tiên phải tuân thủ chất lượng sản phẩm, không dùng phân bón hoá học, trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và Organic. 

Đại diện Pacific Foods cho biết, sau quả vải sẽ là mít, thanh Long, gạo được doanh nghiệp này xúc tiến xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, để trái cây Việt Nam "ăn sâu, bén rễ" ở thị trường khó tính thì chắc chắn còn nhiều việc phải làm.

Tìm cách nâng cao thị phần 

Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết quả vải thiều Việt Nam đã trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới có thể vào được Nhật Bản. Vải thiều Việt Nam đã được định vị là loại quả có giá trị cao. Tuy nhiên, vào được đã khó, nhưng giữ được thị trường còn khó hơn.

Vì vậy, để duy trì thương hiệu quả vải Việt Nam tại Nhật, điều quan trọng là duy trì chất lượng quả vải sạch, đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu ổn định (đảm bảo sự ổn định của thị trường và cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà nhập khẩu).

Hay với quả xoài, mỗi năm, Mỹ nhập khoảng khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia châu Mỹ như: Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatemala. Với nhu cầu đó, Việt Nam kỳ vọng có thể xuất sang thị trường này khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương gần 1% lượng xoài tươi nhập khẩu của Mỹ nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của thị trường "khó tính" này.

Tiềm năng là vậy, nhưng ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho rằng, chi phí logistics quá cao đã đẩy giá thành của trái xoài Việt Nam lên cao, khó cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Xoài cát Hòa Lộc mua tại Việt Nam thời điểm cao nhất khoảng hơn 3 USD/kg, cộng với chi phí vận chuyển thì giá thành tại Mỹ lên tới 13 - 14 USD/kg, cũng có thời điểm lên tới 16 USD/kg. Đối với xoài tượng da xanh, hiện giá thành cũng lên đến 10 USD/kg. Trong khi giá nhập khẩu bình quân xoài các loại tại thị trường Mỹ chỉ khoảng 3 USD/kg. Vì vậy, vấn đề làm sao kéo giảm chi phí logistics để nâng cao sức cạnh tranh cho trái cây Việt Nam.

Đồng thời, ngành trái cây muốn có thêm nhiều thị trường thì việc quan trọng nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), đơn vị này vẫn đang tiếp tục đàm phán để mở cửa thêm thị trường cho nhiều mặt hàng trái cây. Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất là cần phối hợp với các địa phương để xây dựng vùng trồng có mã số, cơ sở đóng gói. 

Qua 10 năm thực hiện cấp mã số vùng trồng, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, chất lượng nông sản tăng lên nhiều, sản xuất theo cùng một quy trình, nhận thức của người nông dân là chuyển sang sản xuất theo định hướng thị trường, nhu cầu khách hàng. Ở vùng trồng được cấp mã số, nông dân tập hợp thành HTX kiểu mới để sản xuất cùng một quy trình, ghi chép, trao đổi kinh nghiệm với nhau.

 Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Tác giả: Tìm cách nâng cao thị phần 
Bài viết liên quan