Tiêu điểm

Thừa Thiên Huế: Điểm sáng các ngành hàng xuất khẩu


Bất chấp ảnh hưởng dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 đến nay, các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn có thị trường ổn định. Lũy kế tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt gần 400 triệu USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm xơ, sợi dệt các loại, hàng may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ…

Đại diện Công ty cổ phần Da giày Huế (trụ sở đóng tại Hương Sơ, Cụm công nghiệp An Hoà, TP. Huế) cho biết, sau khi chuyển sang sản xuất các sản phẩm xuất khẩu cho Tập đoàn IKEA (Thuỵ Điển) thì đơn hàng luôn ổn định. Hiện nay, doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết năm 2021 với số lượng 320 ngàn bộ sản phẩm/tháng.

Thừa Thiên Huế: Điểm sáng các ngành hàng xuất khẩu
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong chuyến thăm và làm việc tại Nhà máy chế xuất Billion Max

Ông Trần Ngọc Hải - đại diện Công ty cổ phần Da giày Huế - cho biết, IKEA là tập đoàn lớn chuyên cung cấp các bộ sản phẩm đựng đồ gia dụng cho khách hàng toàn thế giới nên nguồn cung luôn ổn định. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy vậy doanh thu của công ty đạt trên 60 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động. Để đáp ứng đơn hàng cho các đối tác cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm nhân công, hiện doanh nghiệp đang đầu tư hệ thống máy may tự động, đồng thời đào tạo nghề cho lao động để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thêm các ngành hàng xuất khẩu.

Theo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may trên địa bàn đều có đơn hàng ổn định, như Công ty Scavi Huế, HBI, Dệt may Huế, Phú Hoà An… qua đó góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu quý I/2021 tỉnh Thừa Thiên Huế lên 238 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 137 triệu USD, tăng 23,5%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 101 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm xơ, sợi dệt các loại ước đạt 74,6 triệu USD, tăng 64,8%; hàng may mặc ước đạt 139,7 triệu USD, tăng 59,7%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 28,2 triệu USD…

Hiện thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Thừa Thiên Huế đã đến được 35 quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, các nước châu Âu,…góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Không chỉ ổn định đơn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp có xu hướng mở rộng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền, nâng công suất để đón đầu sau khi dịch Covid-19 được khống chế.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Thừa Thiên Huế, từ quý II/2021, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và nâng công suất các dây chuyền. Trong đó, một số dự án quy mô lớn như Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Motors của Công ty CP Kim Long Motors Huế; nhà máy sản xuất găng tay bảo hộ trong ngành điện tử, găng tay y tế, găng tay bảo hộ lao động đa chức năng và sản xuất sợi polyethylen của Công ty Kanglongda Huế; Nhà máy chế biến Billion Max Việt Nam; Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina; Nhà máy may 5 của Công ty Scavi Huế...

Thừa Thiên Huế: Điểm sáng các ngành hàng xuất khẩu
Các doanh dệt may trên địa bàn Thừa Thiên Huế duy trì hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa cho các đối tác nước ngoài

Ông Trần Văn Mỹ - Tổng giám đốc Công ty Scavi Huế - thông tin, năm 2020, công ty duy trì và phát triển sản xuất, đưa kim ngạch xuất khẩu lên 260 triệu USD. Để đáp ứng đơn hàng cho các đối tác xuất khẩu, năm 2021, công ty tiếp tục đầu tư nhà máy may mới với quy mô 1.000 lao động, kinh phí 150 tỷ đồng, đồng thời phát triển khu thương mại, dịch vụ hậu cần ngành dệt may, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2021 lên 350 triệu USD, tăng 40% so với năm 2020.

Đối với Nhà máy chế xuất Billion Max (đóng tại Khu công nghiệp khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây - huyện Phú Lộc), mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, tuy nhiên sau hơn 1 năm đi vào hoạt động với 3 nhà máy sản xuất các loại đồ chơi trẻ em, cung ứng cho các đối tác ở Mỹ, Nga và châu Âu… hiện hoạt động sản xuất của các nhà máy vẫn ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động, doanh thu hơn 15 triệu USD. Để đáp ứng đơn hàng cho các đối tác xuất khẩu, quý II/2021, công ty tiếp tục mở rộng đầu tư giai đoạn 2, xây dựng nhà xưởng thứ 4 trên quy mô khoảng 6ha, tổng mức vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD. Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022 và tuyển dụng thêm 2.000 lao động.

Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế - cho biết, để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, năm 2021 Sở đề xuất xây dựng phương án hoạt động trung tâm logistics trên cơ sở kết nối Cảng biển nước sâu Chân Mây và ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Khu kinh tế Chân Mây -Lăng Cô, Khu công nghiệp Phú Bài và các khu vực liên quan.

“Ngoài ra, sẽ triển khai một số đề án phát triển công nghiệp, như “Khảo sát, đánh giá thực trạng cụm công nghiệp và định hướng phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030”; thực hiện các giải pháp nâng cao hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh”, ông Thanh cho biết thêm.

Cũng theo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, thời gian tới, đơn vị tiếp tục rà soát thực trạng, đề xuất giải pháp đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ. Tập trung vào công tác phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản suất kinh doanh,... Đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài IV, Khu công nghiệp Phong Điền. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế (thành phố truyền thông thông minh) thuộc Khu B - Đô thị mới An Vân Dương.

Tác giả: Nguyễn Tuấn