Tiêu điểm

Mỹ công bố thuế 46% khiến các ngành xuất khẩu tỷ đô như ngồi trên đống lửa


Việc Mỹ công bố áp thuế đối ứng 46% đối với hàng Việt Nam không chỉ ảnh hưởng tới xuất khẩu mà còn chịu tác động tới lĩnh vực tài chính, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thị trường bất động sản, vàng… Trong những ngày tới, nếu Mỹ không thay đổi, có thể đây là cú sốc chưa từng có từ bên ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm "Ứng phó thuế đối ứng của Hoa Kỳ" vừa tổ chức, bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ lo ngại, ngay sau khi nhận thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các DN trong ngành thủy sản như "ngồi trên đống lửa" với tâm trạng hoang mang và lo lắng.

“Tại thời điểm ông Trump công bố áp thuế, nước ta đang có gần 40.000 tấn thủy hải sản đang trên đường đến Mỹ và các DN lo ngại rằng không biết số hàng hóa này có bị áp thuế 46% ngay hay không” - Phó Tổng Thư ký VASEP nói.

-1697-1744107825.jpg

Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Đặc biệt, theo bà Hằng, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%.

Mặt khác, các DN thủy sản Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF - chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác - do đó, mức thuế mới của Mỹ tác động trực tiếp lên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Do đó, nhiều DN thủy sản Việt Nam lo lắng không biết các hợp đồng đã ký kết sẽ phải tính toán lại như thế nào với mức thuế đối ứng mới.

“Hiện, nhiều DN trong ngành đã dừng ngay việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu, điều này dẫn đến việc họ phải chịu phạt vì vi phạm hợp đồng. Họ đang e ngại sẽ mất thị trường Mỹ trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng như tôm sú, cá tra... vì thị trường này chiếm tới 1,8 - 2,1 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, tác động đến cuộc sống của hàng triệu nông - ngư dân và doanh nghiệp trong ngành” - Phó Tổng Thư ký VASEP nói thêm.

Được biết, không chỉ các DN ngành thủy sản, mà các lĩnh vực khác như gỗ, dệt may,... hiện nhiều DN cho hay cũng đang trong những thời điểm rất “sốc”.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ, lâm sản Việt Nam chia sẻ: Trong 5 ngày vừa qua, DN gỗ sống trong những thời điểm rất “sốc”. Ngành công nghiệp gỗ từ ngày 1/3, Bộ Thương mại Mỹ căn cứ khoản 232 năm 1962 cho phép Tổng thống khởi xướng điều tra việc áp thuế, hạn ngạch nhập khẩu với mặt hàng đe doạ an ninh Mỹ.

Chúng tôi giải trình phản biện hi vọng thuế áp ở mức thấp. Thuế đe dọa an ninh quốc gia thường 25%. Mấy ngày gần đây, chúng tôi đón thêm thông tin về thuế đối ứng. Theo cách giải thích của Mỹ, Việt Nam áp mặt hàng bao nhiêu thì Mỹ áp bấy nhiêu...

“Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam là “đòn” đánh rất mạnh vào ngành công nghiệp gỗ” – ông Ngô Sỹ Hoài nói.

-9944-1744107825.jpg

Việc Mỹ áp thuế 46% với mặt hàng nhập của Việt Nam được cho là “đòn” đánh rất mạnh vào ngành công nghiệp gỗ.

Trước bối cảnh trên, Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Năm 2024, có 25 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam. Riêng lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo đạt 20 tỷ USD, chiếm 81%, là lĩnh vực tác động mạnh nhất. Trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư Việt Nam có Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc).

"Với mức thuế này, tôi nghĩ rằng sẽ tác động đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Hiện có đến 75% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đến từ doanh nghiệp FDI. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất” – ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, với thị trường ngoại hối, khi xuất khẩu giảm, nguồn thu ngoại tệ cũng giảm. Trong khi đó, mới 3 tháng đầu năm, nhập khẩu của Việt Nam lên tới 100 tỷ USD nên sẽ gây áp lực đối với thị trường ngoại hối. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá tăng nhiều. Tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, nền kinh tế và ảnh hưởng đến túi tiền của mọi người...

“Theo tôi, chúng ta cần phải có sự minh bạch khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tránh bán phá giá hỗ trợ xuất khẩu, thông số sản phẩm Việt Nam rõ ràng minh bạch. Chúng ta mong rằng có những tiến triển lạc quan hơn nhưng cũng cần sẵn sàng trường hợp xấu nhất” – chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Còn theo đánh giá của ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, nhìn về tổng thể, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nội địa của Mỹ, vậy nên việc hợp tác giữa Việt Nam - Mỹ sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng và Chính phủ Mỹ.

“Ngay lúc này, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang ở Mỹ để đàm phán về thuế đối ứng, nếu việc này đạt được kết quả tốt thì có thể Mỹ sẽ lùi ngày áp thuế đối ứng 46% với các mặt hàng từ Việt Nam để hai nước thỏa thuận thêm. Mục đích của đoàn đặc phái viên không chỉ nhằm giải quyết các vướng mắc về thuế đối ứng mà còn là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm các cơ hội và kêu gọi hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ liên quan đến lĩnh vực công nghệ, dầu khí, an ninh quốc phòng và hàng không dân dụng”, ông Phạm Quang Vinh nói.

Hồng Hương