Theo các chuyên gia, Chính phủ Việt Nam và Mỹ đang thực hiện đàm phán để có những con số cụ thể về thuế quan xuất nhập khẩu giữa hai nước. Chính vì vậy, về trước mắt, cụ thể là ít nhất trong 3 tháng kể từ khi chính sách thuế có hiệu lực (nếu chính sách thuế của Mỹ được áp dụng) thì hàng hóa, xuất khẩu của HTX, doanh nghiệp Việt sang thị trường này mới chính thức bị ảnh hưởng, tác động.
Nước rút để tìm thị trường tiềm năng
Nhìn nhận trên thực tế có thể thấy, ngoài các mặt hàng như thủy sản, da giày, ngành gỗ, điện tử... thì một trong những mặt hàng được thị trường ưa chuộng mà Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ là nông sản, trái cây. Một số HTX đã và đang xuất khẩu nông sản, trái cây qua Mỹ như HTX Bà Ba Hội (Quảng Nam), HTX bưởi da xanh Bến Tre, HTX nhãn lồng Hồng Nam (Hưng Yên)...
Theo đánh giá chung của các HTX này, Mỹ là một thị trường quan trọng nhưng khó tính bậc nhất trên thế giới. Và trong quá trình xuất khẩu sang Mỹ, hàng hóa của Việt Nam nói chung, của các HTX nói riêng còn phải cạnh tranh với hàng hóa của một số nước trong khu vực là Thái Lan, Trung Quốc...
Ông Rocky Thạch Nguyễn, CEO Smart Link Logistics, cho biết nếu thị trường Mỹ áp dụng các quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch và chiếu xạ cho trái cây nhập khẩu. Các loại nông sản được xuất khẩu sang đây phải trải qua quá trình chiếu xạ để đảm bảo an toàn. HTX, doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký cơ sở sản xuất và đại diện tại Mỹ, đồng thời phải đăng ký lại sau mỗi 2 năm để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ.
Trong khi xét theo thực tế hiện nay, nhiều HTX, doanh nghiệp vẫn rất khó xuất khẩu, nhất là xuất khẩu lâu dài vào thị trường này vì có quy mô sản xuất nhỏ, vốn hẻo, khó đáp ứng số lượng lớn và yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt của thị trường Mỹ. Đi liền với đó là những khó khăn trong đóng gói, bao bì và quảng bá sản phẩm tại thị trường Mỹ khiến nông sản, trái cây của HTX, doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó trên đất Mỹ.
Mỹ là thị trường rất "khó tính" nên việc đa dạng thị trường sẽ giúp nông sản Việt có nhiều cơ hội xuất khẩu. (Ảnh Mạnh Hòa). |
Trong khi, để xuất khẩu một mặt hàng nông sản, trái cây sang Mỹ, cơ quan quản lý của Việt Nam phải đàm phán nhiều vòng và chấp nhận nhập khẩu trái cây của Mỹ, hoặc đánh đổi một lợi ích nào đó tương đương. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc cạnh tranh của các HTX, doanh nghiệp ngay tại thị trường nội địa.
Việc Tổng thống Trump đang đưa ra các chính sách mới về thuế quan cũng sẽ khiến việc xuất nhập khẩu nông sản, trái cây giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động. Do đó, giới chuyên gia cho rằng HTX, doanh nghiệp Việt chủ động tìm kiếm những thị trường mới, tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ cũng sẽ hạn chế được rủi ro trong quá trình xuất khẩu. Một trong những thị trường cần được quan tâm đó là châu Á, cụ thể là Trung Quốc. Dù có những thách thức cạnh tranh nhất định nhưng Trung Quốc vẫn được đánh giá là một thị trường khổng lồ với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa lớn và đa dạng. Các HTX, doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và hàng tiêu dùng.
Ngoài ra, ASEAN với dân số hơn 600 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cũng là một thị trường đầy tiềm năng. Các HTX, doanh nghiệp Việt Nam ngoài tăng cường xuất khẩu các sản phẩm dệt may, da giày, điện tử thì nông sản cũng là một mặt hàng tiềm năng.
Đi cùng với đó là Ấn Độ với 1,45 tỷ dân với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp. Đặc biệt là thời gian gần đây, nước này đang tăng nhu cầu nhập khẩu nông sản, trái cây nhiệt đới. Riêng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ đạt trên 9,06 tỷ USD cho thấy đây là một thị trường hết sức tiềm năng.
Và ngay trong khu vực châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là 2 thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các HTX, doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao, thủy sản và hàng tiêu dùng khi thị trường Mỹ có nhiều áp lực về thuế quan.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, chuyên gia về Xuất nhập khẩu, cho rằng ngay trong khu vực châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc là những nước đông dân trên thế giới nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, nông sản là rất lớn. Và xét về điều kiện xuất khẩu so với Mỹ và châu Âu thì Ấn Độ và Trung Quốc có điều kiện nhập khẩu linh hoạt hơn, từ đó tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam trong quá trình tìm kiếm thị trường mới.
Ngoài ra, thị trường Trung Đông, cụ thể là các quốc gia GCC đang có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các sản phẩm thực phẩm, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng. Các quốc gia châu Phi cũng đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn về nông sản, hàng tiêu dùng. Trong khi các điều kiện về nhập khẩu hàng hóa của các nước ở những thị trường này không quá gắt gao. Ngay như gạo khi xuất khẩu vào châu Phi trong một số trường hợp không yêu cầu về các chứng nhận, không yêu cầu gạo cao cấp, chất lượng cao.
Một thị trường khác được giới chuyên gia hướng đến là châu Âu. Nhất là khi Hiệp định EVFTA đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Do đó, HTX, doanh nghiệp Việt cần tận dụng lợi thế này để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, dệt may, da giày và điện tử.
Hay như Anh, sau Brexit, thị trường này đang tìm kiếm các đối tác thương mại mới. Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và hàng tiêu dùng sang thị trường này để hạn chế rủi ro thuế quan ở thị trường Mỹ.
Cơ hội để nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy trình
Chuyên gia tư vấn doanh nghiệp Kelvin Lê Vũ, cho biết so với các ngành hàng khác thì nông sản ít bị tác động hơn. Nhưng nếu cảm thấy Mỹ với chính sách thuế quan nghiêm ngặt quá thì các HTX, doanh nghiệp Việt có thể quan tâm đến việc hoàn thiện các chứng nhận Halal để có thể xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo. Vì đây là thị trường khá tiềm năng đối với các nông sản, hàng hóa của Việt Nam.
Cũng cần nhìn nhận rằng chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng nhiều hoặc ít tùy vào từng ngành hàng. Nhưng đây cũng là cơ hội để các HTX, doanh nghiệp Việt hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng để đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất nhằm hạn chế rủi ro.
Ông Rocky Thạch Nguyễn, cho biết nếu như thị trường Châu Âu quan tâm nhiều hơn đến các mặt hàng hữu cơ thì thị trường Châu Á lại quan tâm đến nông sản như gạo. Do đó để mở rộng được thị trường, xuất khẩu thành công, các đơn vị cần xác định được thị trường mục tiêu, tìm hiểu các quốc gia có nhu cầu cao đối với sản phẩm nông sản, hàng hóa của mình.
Việc hiểu quy định pháp lý là điều cần thiết vì mỗi quốc gia, thị trường lại có tiêu chuẩn nhập khẩu riêng như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận hữu cơ, chứng nhận Halal...
Đi liền với đó, cần tìm cách để tối ưu hóa logistics và chi phí bằng cách lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp. Có thể, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển thường rẻ hơn nhưng thời gian lâu hơn, trong khi đường hàng không tốn ít thời gian hơn và phù hợp với sản phẩm tươi sống. Do đó, HTX, doanh nghiệp cần tính toán để có giá cạnh tranh trong xuất khẩu. Việc này buộc các đơn vị phải cân đối giữa chi phí sản xuất, vận chuyển và lợi nhuận để đưa ra mức giá hấp dẫn.
Huyền Trang