Tiêu điểm

Xuất khẩu cà phê: Gia tăng tỷ trọng chế biến sâu


Khối lượng xuất khẩu cà phê chế biến sâu đã tăng từ mức 8,8% năm 2022 lên 9,6% năm 2024. Đây là một chỉ dấu tốt cho sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành.

Gia tăng tỷ trọng cà phê chế biến xuất khẩu

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khối lượng xuất khẩu cà phê tháng 3/2025 ước đạt 200 nghìn tấn với giá trị đạt 1,16 tỷ USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2025 đạt 509,5 nghìn tấn và 2,88 tỷ USD, giảm 12,9% về khối lượng nhưng tăng 49,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5.656 USD/tấn, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu cà phê: Gia tăng tỷ trọng chế biến sâu

Xuất khẩu cà phê: Gia tăng tỷ trọng chế biến sâu

Cà phê là một trong những ngành hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nông nghiệp Việt Nam. Ngành cà phê đã tạo ra việc làm và thu nhập cho trên 600 nghìn nông hộ, với hơn 2,6 triệu lao động tham gia khâu sản xuất, tương đương 4,8% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới sau Brazil, với lượng cung từ Việt Nam chiếm 19% thị phần toàn cầu. Năm 2024, xuất khẩu cà phê mang về 5,48 tỷ USD cho Việt Nam, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả và gạo.

Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đạt được thành tích ấn tượng trong 3 năm gần đây, nguyên nhân là do giá xuất khẩu tăng. Cụ thể, khối lượng cà phê xuất khẩu năm 2022 là 1,77 triệu tấn, giảm xuống còn 1,34 triệu tấn năm 2024 (tương ứng mức giảm 24,3%), nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 4,0 tỷ USD lên 5,7 tỷ USD trong cùng giai đoạn (tăng 42,5%). Kim ngạch xuất khẩu ngành cà phê chiếm khoảng 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp (năm 2024 là 62,5 tỷ USD).

Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân sống có giá trị thấp; cà phê chế biến sâu (rang xay, hòa tan) có giá cao nhưng khối lượng xuất khẩu chỉ bằng 1/10. Tuy nhiên, tỷ trọng cà phê chế biến sâu đang ngày càng tăng.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends - phân tích, trong năm 2024, cà phê nhân sống chiếm khoảng 90,4% khối lượng xuất khẩu của Việt Nam, giảm hơn so với năm 2022 (91,2%). Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu cà phê chế biến sâu đã tăng trong những năm gần đây, từ mức 8,8% năm 2022 lên 9,6% năm 2024. Đây là một chỉ dấu tốt cho sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành cà phê theo hướng giảm sản phẩm thô, tăng sản phẩm chế biến sâu. Giá xuất khẩu trung bình (giá FOB) của cà phê chế biến sâu cao hơn hẳn so với cà phê nhân sống, ví dụ năm 2024 gấp 2,23 lần.

Chuyển đổi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu

Cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu sang 90 quốc gia, trong đó châu Âu và Hoa Kỳ là 2 thị trường lớn nhất. Tại châu Âu, các thị trường chính bao gồm Đức, Italia, Tây Ban Nha, Nga và Hà Lan, trong đó, Đức và Italia là 2 nước chiếm thị phần lớn nhất, tương ứng là 14% và 10% sản lượng xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 7,1%.

Tại thị trường châu Á, Nhật Bản là khách hàng lớn nhất của cà phê Việt Nam (chiếm 8,3% sản lượng xuất khẩu), tiếp theo là Philippines, Trung Quốc và Indonesia. Trong các thị trường chính của Việt Nam, châu Âu đứng đầu về nhập khẩu cà phê nhân so với thị trường còn lại, Hoa Kỳ đứng đầu về nhập khẩu cà phê rang xay và châu Á là thị trường nhập nhiều cà phê hòa tan nhất.

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, ngành cà phê Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này, đại diện Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho hay, diện tích cà phê già cỗi cần tái canh lớn, hiện chiếm khoảng 15% tổng diện tích canh tác. Tỷ lệ diện tích cà phê đạt chứng nhận bền vững còn nhỏ (khoảng 29%).

Hiện canh tác cà phê chủ yếu (70%) vẫn là hình thức độc canh và ưu tiên nâng cao năng suất thông qua sử dụng nước tưới và vật tư đầu vào (phân bón hóa học). Canh tác theo hình thức này đang gây ra các vấn đề lớn về môi trường, bao gồm suy giảm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, lãng phí nguồn nước.

Ngoài ra, ngành cũng đang chịu sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Thói quen và tập quán thu hái, vận chuyển, bảo quản cà phê chưa tốt làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cà phê sơ chế, chế biến. Liên kết chuỗi giá trị cà phê còn yếu và quy mô nhỏ.

Tỷ lệ cà phê đưa vào chế biến tuy đã tăng thời gian gần đây nhưng vẫn còn rất khiêm tốn (chiếm 15% sản lượng cà phê). Việt Nam chủ yếu xuất cà phê nhân thô (chiếm 90,4% khối lượng xuất khẩu) nên giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu chưa cao.

Xây dựng và quảng bá thương hiệu cho cà phê Việt Nam ở tầm quốc gia còn rất hạn chế, thương hiệu cà phê Việt Nam chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên thị trường quốc tế.

Dù vậy, theo các chuyên gia, hiện ngành cà phê đang chuyển đổi theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhà nước đã ban hành khá nhiều chính sách hỗ trợ ngành, bao gồm cả chính sách trực tiếp cho ngành cà phê và các chính sách hỗ trợ liên quan, bao phủ từ sản xuất, chế biến, thương mại.

Để gia tăng giá trị cà phê xuất khẩu trong thời gian tới, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - cho rằng, về phía các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường; đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết. Về phía cơ quan chức năng cũng cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bao gồm hỗ trợ tìm kiếm thị trường mới và nâng cao năng lực sản xuất.

Ông Tô Xuân Phúc cũng cho rằng, con đường căn cơ, bền vững để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm cà phê của Việt Nam là thông qua nâng cao chất lượng, tăng cường chế biến sâu và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho ngành cà phê Việt Nam. Muốn vậy, các chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ theo đuổi theo con đường này cần phải được triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ. Các chính sách và giải pháp cũng cần tập trung vào giải quyết 3 trụ cột chính gồm: Tái canh, ghép cải tạo cà phê; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng ngành cà phê; tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ngành cà phê là một trong những ngành quan trọng nhất trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Hiện sản lượng cà phê của Việt Nam lớn thứ hai trên thế giới (sau Brazil), chiếm 19% trong tổng lượng cung toàn cầu năm 2024.
 
Tác giả: Nguyễn Hạnh