Tiêu điểm

Giá xuất khẩu gạo tăng cao


Theo Bộ Công Thương, dù khối lượng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bù lại giá xuất khẩu gạo lại tăng tới 11,9% (đạt bình quân 543 USD/tấn). Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu gạo thu về trong 5 tháng đầu năm 2021 không giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ giảm 0,7%.

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

Giá xuất khẩu gạo tăng cao
Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao

Bên cạnh đó, trong năm 2020, Việt Nam đã mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu âu (EVFTA), EEC, UKFTA. Năm 2021, với mức thuế ưu đãi trong các hiệp định trên, gạo Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh và cơ hội tăng trưởng tại EU, Anh và các nước thuộc Liên minh Á–Âu.

Đặc biệt, mới đây, chính quyền Philippines đã quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo xuống còn 35% (trước đây là 40% đối với gạo nhập khẩu theo hạn ngạch và 50% đối với gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch) trong vòng 1 năm để tăng nguồn cung gạo, duy trì giá gạo phải chăng và giảm sức ép lạm phát. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày Văn phòng Tổng thống đăng công báo là ngày 17/5/2021 và có thời hạn hiệu lực trong 1 năm. Đây là cơ hội cho gạo Việt tăng xuất khẩu sang Philippines – một trong những thị trường lớn nhất của gạo Việt.

Căn cứ theo nhu cầu của thị trường và các đơn hàng, các doanh nghiệp cho rằng, trong quý II/2021 xuất khẩu gạo vẫn nhiều lạc quan. Theo Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, xuất khẩu gạo quí II/2021 của doanh nghiệp dự kiến tăng 100% so với quí trước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2021, lượng gạo ST25 bắt đầu được sản xuất nhiều hơn để bán ra thị trường. Như vậy, nguồn cung gạo ST25 hiện nay đang dần cải thiện trong khi nhu cầu về loại gạo này ở các thị trường vẫn rất lớn. Nhiều doanh nhân cũng dự báo, gạo ST25 được thế giới ưa chuộng, giá lại cao hơn các loại gạo khác, nên xuất khẩu gạo ST25 sẽ tăng trong năm nay, bổ sung vào tỉ lệ tăng của kim ngạch xuất khẩu gạo.

Phân tích về các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây đã đưa ra dự báo, Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020. Trong khi đó, Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019.

Tác giả: Bảo Ngọc
Nguồn:congthuong.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật