Tiêu điểm

Xuất khẩu hàng hóa tăng tốc về đích


Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đang tăng tốc để về đích.

Tín hiệu tích cực từ nhiều ngành hàng chủ lực

6 tháng đầu năm nay, dệt may là một trong số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng trong Top đầu cả nước với hơn 16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt Việt Nam (Vinatex) - nhận định, so với cùng kỳ năm 2023, ngành dệt may đã có tín hiệu tích cực hơn, số lượng đơn hàng nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn. Đa phần các công ty may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đủ đơn hàng đến cuối năm và đang đàm phán đơn hàng đầu năm 2025.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 6 tháng 2024, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 19,5 tỷ USD, trong đó, dệt may đạt 16,3 tỷ USD, tăng 3%

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 6 tháng 2024, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 19,5 tỷ USD, trong đó, dệt may đạt 16,3 tỷ USD, tăng hơn 3%

Tuy vậy, đơn giá nhìn chung vẫn thấp, nhiều mã hàng giảm 20%, thậm chí có mã hàng giảm đến 50% so với trước dịch Covid-19 do đã được thiết lập mặt bằng giá mới từ năm 2023. “Trong bối cảnh khó khăn, ngành dệt may ghi nhận những khởi sắc tốt. Đến thời điểm này, đa phần các công ty may trong Tập đoàn đã đủ đơn hàng đến tháng 9, tháng 10 và đang đàm phán đơn hàng cho những giai đoạn tiếp theo”, ông Cao Hữu Hiếu thông tin.

Cũng theo ông Cao Hữu Hiếu, với những tín hiệu tích cực hơn nữa trong 6 tháng cuối năm, khi mà câu chuyện về lạm phát, suy giảm kinh tế, xung đột chính trị trên thế giới sẽ là những yếu tố kích cầu. Dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt mong muốn là tăng 8 - 10% so với năm 2023.

Một ngành khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm đó là ngành da giày. Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường xuất khẩu ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính, trong đó, Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024. Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, kim ngạch xuất khẩu ngành năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD.

Với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 7,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhu cầu phục hồi từ các thị trường xuất khẩu chính, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2024. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Hoa Kỳ, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 49,3%; Nhật Bản đạt 796,8 triệu USD, giảm 2,2%; Hàn Quốc đạt 389,2 triệu USD, giảm 1,4%...

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước.Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%). Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng, cụ thể: Nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 160,3 tỷ USD, chiếm 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,18 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo đánh giá của S&P Global, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới của Việt Nam đã tăng trưởng. Nhờ đó, sản lượng sản xuất của tháng 6 đã đạt mức tăng cao nhất trong gần 6 năm trở lại đây, cả ở khối doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. Theo WTO (tháng 04/2024), khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025. Các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu góp phần thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nửa cuối năm 2024 tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Trợ lực cùng doanh nghiệp về đích

Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Theo đại diện Công ty CP Dệt May Hòa Thọ (Đà Nẵng), kế hoạch cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa rõ ràng, các quốc gia xuất khẩu cạnh tranh có khả năng phá giá mạnh đồng tiền nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng tăng từ 1/7, chi phí tiền điện..., những yếu tố này làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023

Trong lĩnh vực ngành gỗ, dù tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam – cho rằng, từ nay đến cuối năm, ngành gỗ gặp không ít các khó khăn. Theo đó, các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế cũng như gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Cùng với những rủi ro về thị trường, giá cước vận tải tăng khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so với năm trước. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra, trong khi nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu giảm giá thành sản phẩm. Việc hoàn thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng dăm gỗ, gỗ dán và các sản phẩm gỗ khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do các thủ tục xác minh tới tận chủ rừng vẫn được ngành thuế áp dụng;…

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023, cán cân thương mại thặng dư dự kiến khoảng 15 tỷ USD.

Để đồng hành với các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng trong hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.

Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu;…

Trong hai ngày 16 và 17/7/2024, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng sẽ diễn ra tại Reggio Calabria and Villa San Giovanni của Italia. Tại Hội nghị, dự kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ có bài phát biểu chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như thông tin về chủ trương nhất quán trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, thực chất và hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài và ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Cùng đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng sẽ chia sẻ các định hướng hợp tác với các thành viên G7 trên nhiều khía cạnh.

Tại Italia, bên cạnh Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng sẽ chủ trì Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu tại Italia. Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 18 và 19/7 nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế - thương mại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trong khu vực châu Âu và thế giới; cùng đó, tăng cường công tác kết nối, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động xuất khẩu.

 
Tác giả: Nguyễn Hạnh