Tiêu điểm

Xuất khẩu rau, quả sắp chạm mốc 6 tỷ USD


Hầu hết các thị trường xuất khẩu rau, quả đều tăng trưởng từ 30% đến gần 90% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau, quả gần cán mốc 6 tỷ USD.

Theo thống kê sơ bộ mới được Tổng cục Hải quan công bố, nửa đầu tháng 10 (1-15/10), xuất khẩu rau, quả thu về 296 triệu USD. So với nửa cuối tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu rau, quả giảm mạnh (giảm 204 triệu USD). Tính chung từ đầu năm đến 15/9, xuất khẩu rau, quả mang về 5,94 tỷ USD, tăng 1,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Hết tháng 9, mặt hàng sầu riêng đóng góp kim ngạch trên 2,5 tỷ USD. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Hết tháng 9, mặt hàng sầu riêng đóng góp kim ngạch trên 2,5 tỷ USD. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Đóng góp quan trọng nhất vào kết quả xuất khẩu rau, quả vẫn là mặt hàng sầu riêng. Hết tháng 9, mặt hàng sầu riêng đóng góp kim ngạch trên 2,5 tỷ USD. Các loại trái cây khác như: chuối, xoài, thanh long… cũng đóng góp hàng triệu USD/mặt hàng.

Khách hàng lớn nhất của ngành rau, quả Việt Nam là Trung Quốc, khi 65% trái cây Việt Nam được đưa vào thị trường này. Năm ngoái, sầu riêng lần đầu tiên lập kỳ tích ở nhóm mặt hàng tỷ đô cũng nhờ sức tiêu thụ mạnh mẽ từ thị trường tỷ dân là Trung Quốc. Năm nay, thêm dừa tươi và sầu riêng đông lạnh cũng được chính thức nhập khẩu.

Cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 9, xuất khẩu rau, quả sang thị trường Trung Quốc đạt 3,79 tỷ USD, tăng mạnh 37,82% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 67,2% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.

Thêm một tín hiệu tích cực cho xuất khẩu rau, quả khi những ngày trung tuần tháng 10, các lô hàng dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bằng đường bộ đã được thực hiện qua khu vực cửa khẩu của Lào Cai và Lạng Sơn.

Trở về từ Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T - cho biết: "Chúng tôi ghi nhận sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng Trung Quốc đối với quả dừa. Chúng tôi cho rằng, trái dừa sẽ giúp cho tăng trưởng vượt bậc vào ba tháng cuối năm".

Kết quả thu được từ đầu năm đến nay, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân là do chúng ta đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đây là vùng dân số đông dân. Bên cạnh đó, Chính phủ và các doanh nghiệp đang mở rộng thêm những mặt hàng như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc, bưởi xuất khẩu đi Hàn Quốc. Đây là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế.

Có thể thấy, nhờ nỗ lực đàm phán, Việt Nam đã thành công đưa thêm nhiều loại rau, quả vào các thị trường đông dân như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ đầu năm đến nay, trong 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam, hầu hết đều tăng trưởng từ 30% đến gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu từ các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng. Do vậy, Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất khẩu rau, quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong những tháng cuối năm. Chính những điều này đang tạo điều kiện cho ngành rau, quả duy trì đà tăng để đạt mục tiêu 7 tỷ USD.

 

 

Tác giả: Nguyễn Hạnh
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật