Tiêu điểm

Sơn La “kiến tạo” thương hiệu: Từ nông sản bản địa đến sâm Ngọc Linh quốc bảo


Sơn La đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, điểm sáng là sâm Ngọc Linh – sản phẩm OCOP giàu tiềm năng.

Hành trình nâng tầm nông sản vùng cao

Là tỉnh miền núi trọng điểm của vùng Tây Bắc, Sơn La có địa hình, khí hậu và sinh thái đặc thù để phát triển các loại nông sản đặc sản, nhiều trong số đó gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như người Thái, Mông, Mường, Dao… Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu nhận diện, chưa hình thành thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường.

Trước thực trạng đó, tỉnh Sơn La đã chủ động chuyển hướng: xây dựng chuỗi giá trị gắn với thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng thông qua tiêu chuẩn hóa, xúc tiến thương mại và kết nối thị trường. Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai song hành cùng các chính sách của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các tổ chức quốc tế.

Các địa phương như Sông Mã, Mai Sơn, Mộc Châu, Thuận Châu đã bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu OCOP và thương mại điện tử. Mục tiêu chung là biến lợi thế tự nhiên thành thương hiệu vùng, từ đó mở đường cho phát triển bền vững.

Cà phê Arabica Sơn La - loại cà phê được trồng chủ yếu bởi phụ nữ dân tộc thiểu số

Cà phê Arabica Sơn La - loại cà phê được trồng chủ yếu bởi phụ nữ dân tộc thiểu số

Những năm gần đây, nhiều sản phẩm đặc sản của Sơn La đã bước đầu ghi dấu ấn trên thị trường trong và ngoài nước nhờ chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản. Cà phê Arabica Sơn La - loại cà phê được trồng chủ yếu bởi phụ nữ dân tộc thiểu số hiện đã có mặt tại các thị trường châu Âu, Mỹ, New Zealand với thương hiệu Konna, do Công ty Detech triển khai. Được trồng ở độ cao trên 1000m, cà phê Sơn La mang hương thảo mộc đặc trưng của Tây Bắc, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững đang ngày càng lan rộng trong giới trẻ toàn cầu.

Tương tự, long nhãn Sông Mã, sản phẩm gắn bó với đồng bào Thái cũng đang được đầu tư mạnh về công nghệ sấy, chế biến và đóng gói. Tỉnh đã có trên 600 cơ sở chế biến long nhãn, trong đó hai làng nghề được hỗ trợ thiết bị, mã vùng trồng và thương hiệu. Nhãn Sơn La hiện đã xuất khẩu sang hơn 10 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và UAE, với kim ngạch xuất khẩu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đây là những minh chứng rõ ràng cho thấy việc đầu tư xây dựng thương hiệu đã giúp nâng giá trị nông sản vùng dân tộc lên một tầm cao mới, biến những loại cây trồng quen thuộc thành sản phẩm hàng hóa có chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.

Sâm Ngọc Linh Sơn La: Từ thử nghiệm đến biểu tượng kinh tế vùng cao

Một trong những bước đi đột phá trong chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản vùng cao của Sơn La chính là phát triển sâm Ngọc Linh tại đỉnh Sam Ta, huyện Mai Sơn. Đây là nơi có điều kiện thổ nhưỡng tương đồng với vùng sâm Ngọc Linh Quảng Nam - Kon Tum, được đánh giá là thích hợp để phát triển loài dược liệu quốc bảo này.

Cây sâm Ngọc Linh đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân bản địa.

Cây sâm Ngọc Linh đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân bản địa.

Từ năm 2021, Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Thành Long đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để gây trồng hơn 10.000 cây sâm Ngọc Linh tại Sam Ta. Sau nhiều năm nghiên cứu và chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt, sản phẩm sâm tại đây được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) kiểm định đạt tiêu chuẩn hoạt chất saponin tương đương với sâm Ngọc Linh tại Kon Tum.

Không chỉ dừng ở trồng trọt, Sơn La đã xây dựng cả một hệ sinh thái sản xuất - chế biến - thương mại cho sâm Ngọc Linh. Tỉnh hỗ trợ người dân giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Các sản phẩm cao sâm, rượu sâm, rượu cao sâm đã được công nhận OCOP 4 sao, đạt tiêu chuẩn ISO và đang hướng tới chứng nhận GMP để xuất khẩu. Song song, các sự kiện quảng bá như Gala “Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La – Từ Quốc bảo thành sinh kế” được tổ chức, góp phần định vị hình ảnh thương hiệu đặc sản vùng cao giàu giá trị dược liệu.

Thành công bước đầu của các sản phẩm như cà phê Arabica, long nhãn Sông Mã hay sâm Ngọc Linh cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu từ gốc: từ sản xuất sạch, chế biến sâu, bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc đến truyền thông bài bản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều việc phải làm. TS Vũ Hồng Sơn (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng cần đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng thương hiệu vùng miền có câu chuyện và cảm xúc để tiếp cận người tiêu dùng thành thị, nhất là giới trẻ. Ông Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng CIEM cũng nhấn mạnh cần xác lập chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu, đẩy mạnh truyền thông và kết nối với thương mại điện tử để sản phẩm vùng cao không bị “chết yểu” sau các chương trình xúc tiến.

Về phía địa phương, Sơn La đang tiếp tục ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ HTX, doanh nghiệp và cộng đồng dân tộc thiểu số trong việc chuyển đổi sản xuất truyền thống sang quy mô thương mại. Mục tiêu lớn hơn là xây dựng thương hiệu vùng cao Sơn La mang tính biểu tượng, có thể vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

Hành trình xây dựng thương hiệu sản phẩm vùng dân tộc và miền núi ở Sơn La đã và đang tạo ra một mô hình phát triển mới, nơi bản sắc được bảo tồn qua sản phẩm, sinh kế được nâng lên nhờ thương hiệu, và kinh tế vùng cao được tái cấu trúc theo hướng hiện đại, bền vững.

Sâm Ngọc Linh Sơn La, với sự đầu tư bài bản từ giống cây, kỹ thuật đến bao bì và xúc tiến thương mại, là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng lớn lao của sản phẩm bản địa khi được nâng đỡ đúng cách. Cùng với đó, một làn sóng thương hiệu vùng cao từ long nhãn, cà phê, dược liệu đến rau trái đặc sản đang lặng lẽ nhưng vững chắc định hình lại cách nhìn về nông sản miền núi Việt Nam trong thời đại mới.

Nguồn:congthuong.vn Copy link