Tiêu điểm

Đà Nẵng: Có tình trạng dẫn tour trá hình để bán hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ


Không còn tình trạng bày bán hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhưng thành phố Đà Nẵng đã phát hiện trường hợp “dẫn tour” trá hình để bán hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Không còn tình trạng bày bán công khai hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Sáng 7/7, tại Hội nghị “Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới” do Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, ông Phạm Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, Đại diện Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng đã thông tin về tình hình kiểm tra, xử lý các vụ việc về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trên địa bàn.

Ông Phạm Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, Đại diện Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Vũ Lê)

Ông Phạm Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, Đại diện Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Vũ Lê)

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2025, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra là 918 vụ và xử lý 867 vụ với tổng số tiền thu nộp ngân sách là hơn 129 tỷ đồng; khởi tố 17 vụ/19 đối tượng.

Trong tháng cao điểm (từ 15/5 đến 15/6), riêng lực lượng quản lý thị trường đã trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành 8 quyết định xử phạt, hầu hết đều trên 100 triệu đồng/vụ vi phạm.

Theo ông Phạm Ngọc Sơn, với đặc thù là thành phố du lịch, thời gian qua, trên địa bàn có một số điểm bán hàng xảy ra tình trạng bán sản phẩm hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu nổi tiếng. “Qua tháng cao điểm kiểm tra, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không còn hiện tượng các cửa hàng bày bán các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, ông Phạm Ngọc Sơn thông tin.

Không còn tình trạng bày bán hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng thành phố Đà Nẵng đã phát hiện hình thức

Không còn tình trạng bày bán hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng thành phố Đà Nẵng đã phát hiện hình thức "dẫn tour" trá hình để bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Ảnh minh họa)

Xuất hiện hình thức “dẫn tour” trá hình để lách kiểm tra, bán hàng giả

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác chống hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ còn nhiều khó khăn. Các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm với các phương thức thủ đoạn mới như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hóa làm cho người tiêu dùng, cơ quan chức năng khó phát hiện hàng giả; chủ thể quyền mới dừng lại ở việc thông báo vụ việc cho cơ quan chức năng; bị giới hạn bởi quy định chỉ cung cấp văn bằng xác nhận đối với tang vật thu giữ có số lượng từ trên 50 đơn vị sản phẩm...

Có một thực tế là tâm lý và hành vi của một bộ phận nhỏ người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch có nhu cầu mua hàng mẫu mã đẹp theo mẫu mã của thương hiệu nổi tiếng nhưng giá rẻ. “Trên thực tế, lực lượng chức năng tại Đà Nẵng thực hiện rất quyết liệt việc chống hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng này, các đối tượng cũng liên tục đối phó”, đại diện Ban Chỉ đạo 389 Đà Nẵng nói và cho biết thêm, khi lực lượng chức năng kiểm tra quyết liệt thì các cửa hàng này đóng cửa tầng 1, rồi bán hàng trá hình theo hình thức dẫn tour.

Mới đây, lực lượng quản lý thị trường là cũng phải đóng vai là một ông chú dẫn tour du lịch để tìm hiểu. Đi vào tầng một không có, nhưng lên tầng 2 mới phát hiện ra là bày bán cho các khách đoàn quốc tế. Và đã xử lý được một vụ, trình Chủ tịch UBND thành phố xử phạt. Đây là những hình thức đối phó mới của các đối tượng vi phạm”, ông Phạm Ngọc Sơn thông tin.

Trưng bày hàng thật, hàng giả tại hội nghị

Trưng bày hàng thật, hàng giả tại hội nghị "Chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong tình hình mới" (Ảnh: Vũ Lê)

Xây dựng ứng dụng AI phân biệt hàng thật, hàng giả

Theo ông Sơn, để công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại đạt hiệu quả cao hơn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng. Đặc biệt là người đứng đầu.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt tập trung các mặt hàng nhạy cảm như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Tăng cường cập nhật, nhận diện thủ đoạn vi phạm mới, xây dựng cơ sở dữ liệu và công nghệ hỗ trợ công tác phát hiện, xử lý vi phạm.

Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, doanh nghiệp và chủ thể quyền để chia sẻ thông tin, kịp thời xác minh vi phạm.

Ứng dụng công nghệ số vào phát hiện, xử lý các vi phạm. “Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng được Ban Chỉ đạo 57 của thành phố là giao xây dựng ứng dụng AI để phân biệt hàng thật, hàng giả. Rất mong các hiệp hội ngành hàng thời gian tới phối hợp cùng Chi cục, Sở Công Thương Đà Nẵng thực hiện”, ông Phạm Ngọc Sơn nói.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền pháp luật đến người tiêu dùng, doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm;…