Tiêu điểm

Vượt khó, thoát nghèo nhờ trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao


Từ chỗ có cuộc sống bấp bênh, khi tham gia vào mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ của HTX đã giúp nông dân ở xã Long Khê (huyện Cần Đước, Long An) vượt khó, thoát nghèo. Nhất là nhờ thay đổi cách thức tổ chức sản xuất theo mô hình mới mà người nông dân nơi đây tạo ra những sản phẩm có giá trị, có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

Long Khê là một xã vùng thượng của huyện Cần Đước, với diện tích tự nhiên trên 785ha, trong đó có 678ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây đa số người dân sống bằng nghề trồng lúa và canh tác hoa màu theo cách thức cũ, lạc hậu nên đời sống bấp bênh. 

Giúp nông dân thay đổi cách tổ chức sản xuất

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ học tập, tham gia vào mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao của HTX Rau an toàn Mười Hai mà nhiều người dân ở Long Khê đã nâng cao thu nhập, không còn nghèo khó như trước.

-5291-1679312833.jpg

Mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao của HTX Rau an toàn Mười Hai.

HTX hiện có 50 thành viên tham gia với diện tích sản xuất 30ha. Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường 2 tấn rau các loại. Không chỉ giúp các thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác rau an toàn, HTX còn tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Văn Giấy, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai, cho biết: Việc thành lập HTX làm thay đổi cách thức tổ chức sản xuất của nông dân, tạo ra những sản phẩm có giá trị, nâng cao trách nhiệm của các thành viên tham gia sản xuất.

Bên cạnh đó, HTX còn trực tiếp thu mua khoảng 30% sản lượng rau của thành viên để tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng rau an toàn với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg.

Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, giải quyết việc làm, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thế mạnh của HTX là rau ăn lá (các loại cải).

Mỗi ngày, HTX xuất 1 tấn rau ra thị trường với gần 40 chủng loại. HTX có thị trường đa dạng và ổn định từ siêu thị lớn tại Tp.HCM, Đồng Nai cho đến các cửa hàng rau quả trong, ngoài tỉnh.

Hơn thế nữa, UBND tỉnh Long An đã cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP là cải bẹ xanh của HTX Rau an toàn Mười Hai đạt tiêu chuẩn 4 sao. Theo ông Giấy, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, thời gian qua, HTX không ngừng ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, đầu tư thêm các máy móc, trang thiết bị và thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau sạch. Tất cả sản phẩm đều được sơ chế, rửa qua nước sục ozone, đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc.

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX Rau an toàn Mười Hai đã vận động thành viên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Là 1 trong 30 thành viên của HTX, bà Trần Thị Thu Vân cho biết đã mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi sang trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên 1.500m2 đất sản xuất của mình. 

Bà Vân chia sẻ trước đây gia đình chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm nên năng suất rau đạt thấp. Chưa kể đến sắp thu hoạch, gặp thời tiết xấu, mưa nhiều, rau bị úng là coi như mất trắng một vụ. Từ khi vào HTX, theo bà Vân, việc sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, năng suất rau tăng rõ rệt, vụ nào cũng có lời. Thêm vào đó, nhờ hệ thống tưới tự động, không mất nhiều công lao động, có thời gian đi làm thêm cho HTX, tăng thu nhập cho gia đình.

Hướng đi đúng để thoát nghèo

Bên cạnh mô hình HTX nêu trên, thời gian qua chính quyền huyện Cần Đước và xã Long Khê đã tích cực vận động, khuyến khích người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất và giảm nghèo.

-2570-1679312833.jpg

Sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao giúp người dân xã Long Khê thoát nghèo.

Nhất là Dự án rau ứng dụng công nghệ cao ở xã Long Khê đã được nhiều nông dân tham gia. Hiện, nhiều nông dân trong xã đã đầu tư nhà lưới, thiết bị sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao.

Hiện tại xã này có 3 HTX, trong đó có HTX điểm của tỉnh về trồng rau công nghệ cao là HTX Rau an toàn Mười Hai và 2 tổ hợp tác liên kết hoạt động tương đối ổn định.

Nhiều chương trình phát triển kinh tế được xã phối hợp các cấp, các ngành, hỗ trợ vốn vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trợ giúp người nghèo, hộ nghèo. 

Là một nông dân tham gia mô hình trồng rau an toàn ở xã Long Khê, bà Nguyễn Thanh Thúy cho biết trước đây do thiếu vốn làm ăn nên cuộc sống khó khăn. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân và học hỏi cách làm của HTX, tổ hợp tác nên bà mạnh dạn đầu tư trồng 2.000m2 rau an toàn. Sau 1 năm, bà lấy lại được tiền vốn ban đầu. Hiện nay, bình quân mỗi năm, bà lãi trên 30 triệu đồng.

Còn theo ông Trần Văn Tân, một thành viên HTX Rau an toàn Mười Hai, sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi liên kết không chỉ tăng năng suất, mà giúp ổn định đầu ra cho nông dân. 

Nhờ sự góp sức của HTX và mô hình trồng rau an toàn công nghệ cao đã giúp cho thu nhập bình quân đầu người của xã Long Khê đạt 56,32 triệu đồng/người/năm. Qua đó, góp phần nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong toàn huyện Cần Đước lên 15/16 xã. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24 hộ, chiếm 1,21% tổng số hộ dân trong toàn xã.

Từ những chuyển biến ở một xã từng có nhiều khó khăn như trên, ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước nhấn mạnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong huyện đang đi đúng hướng. Nhất là hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác, từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, từ đó, góp phần cải thiện đời sống vật chất cho người dân nông thôn.       

                                                                                              Thanh Loan

Tác giả: Giúp nông dân
Bài viết liên quan