Tiêu điểm

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 25/6: Nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu


Xuất khẩu là chủ đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm trong ngày 25/6, trong đó có nhiều nhận định lạc quan về tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.

Báo Chính phủ ngày 25/6 có bài: Nhiều dư địa cho xuất khẩu nước mắm của Việt Nam. Bài báo dẫn lời ông Lê Thanh Hoà – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, hiện cả nước có 4.200 cơ sở sản xuất nước mắm với sản lượng trung bình trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít.

Ngày nay, nước mắm không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, mở ra cánh cửa quảng bá văn hoá, ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp” – ông Lê Thanh Hoà thông tin.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 25/6: Nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu
Giá cao xuất khẩu của Việt Nam ổn định nhờ chất lượng gạo tăng

Cũng liên quan đến vấn đề xuất khẩu, tờ Lao Động có bài: Nhiều “cửa sáng” cho xuất khẩu, gạo Việt đang vượt lên tốp 1. Bài báo nhận định, bức tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều điểm sáng khi nhu cầu thế giới tăng cao, giá gạo của Việt Nam ổn định nhờ chất lượng gạo tăng cao.

Theo bài báo, ngày 24/6/2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã vượt lên giá gạo của Thái Lan từ 1-10 USD do giá gạo của nước này liên tục phải điều chỉnh giảm.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sau khi giảm 5 USD/tấn cho tất cả 3 loại gạo xuất khẩu truyền thống 5%, 25% và 100% tấm, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan hiện đang bán ra lần lượt ở mức 408 USD/tấn; 401 USD/tấn và 393 USD/tấn.

Ngược với xu thế giảm của gạo Thái Lan, gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn được điều chỉnh tăng và khá ổn định. Ngày 24/6/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 418 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 10 USD/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam xuất khẩu với giá 403 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 2 USD/tấn. Tuy nhiên, gạo 100% tấm của Việt Nam hiện thấp hơn gạo Thái Lan 10 UDS/tấn, bán ra với giá 383 USD/tấn.

Theo Bộ Công Thương, từ đầu tháng 6/2022 đến nay, giá gạo xuất khẩu chất lượng cao có xu hướng tăng, từ 10 - 15 USD/tấn so với tháng 5. Cụ thể, gạo trắng thông dụng 430 - 440 USD/tấn; gạo Jasmine 540 - 550 USD/tấn; gạo trắng 5451 giá 480 - 490 USD/tấn; gạo Nhật 580 - 590 USD/tấn.

Tờ Hải quan đưa thông tin: Thị trường Mỹ ưa chuộng các sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam. Bài báo cho biết, là thị trường xuất khẩu thủy sản số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam, nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng cao, dự báo sẽ đạt 2,4 - 2,5 tỷ USD trong năm nay.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Mỹ hiện đang giữ vị trí số 1, chiếm 23% xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Mỹ đồng thời là thị trường số 1 của tôm Việt, chiếm 21% (riêng tôm chân trắng xuất khẩu sang Mỹ chiếm 25%), với cá ngừ xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng áp đảo 54%. Với cá tra, Mỹ là thị trường số 2 sau Trung Quốc, chiếm 25,6%.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 25/6: Nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu
Thị trường Mỹ hiện đang giữ vị trí số 1, chiếm 23% xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam

Liên quan đến vấn đề bình ổn giá, báo Đầu tư có bài: Doanh nghiệp sản xuất “gồng mình” để bình ổn giá. Theo bài báo, giá xăng tăng liên tiếp đang tạo áp lực lớn lên chi phí vận hành và kinh doanh, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá sản phẩm để duy trì sản xuất.

Cụ thể, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.FOOD), đơn vị chuyên cung ứng các loại trứng gia cầm và sản phẩm từ trứng tham gia chương trình bình ổn giá của TP.Hồ Chí Minh. Từ lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, doanh nghiệp chưa điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng giá xăng dầu, các loại nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng, nên doanh nghiệp “buộc lòng” phải điều chỉnh giá bán sản phẩm. Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã phải tăng khoảng 10% giá trứng đối với trứng loại 1, tức là 2.000 đồng/vỉ trứng. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng sẽ làm việc với các siêu thị, nhà phân phối để tìm cách chia sẻ khó khăn.

“Khi giá các nguyên liệu đầu vào còn tiếp tục tăng, doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại trao đổi với nhà bán lẻ, các kênh siêu thị để chia sẻ khó khăn, giảm bớt chi phí bán hàng cũng như chiết khấu thương mại. Khi đó, hai bên sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động của việc tăng giá xăng dầu lên giá trứng”, ông Trương Chí Cường - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ.

Bài viết liên quan