Trong Dự thảo đề cương sửa Luật BHXH lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Lý giải cho đề xuất chỉ cho người lao động rút 8% BHXH một lần, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đây là thông lệ quốc tế vì bảo hiểm các nước không cho phép rút BHXH một lần nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, phần chủ sử dụng lao động đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và chủ sử dụng lao động chỉ là người đóng thay. Như vậy, phần chủ sử dụng đóng thay sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng.
Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có vệt bài "Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH một lần: 14% kia đi đâu?" và nhận được phản hồi tích cực từ độc giả. Một bạn đọc tên Linh cho rằng đề xuất chỉ được rút 8% BHXH 1 lần được hưởnglà quá vô lý, không quan tâm đến lợi ích người lao động. Tương tự, một bạn đọc tên Đức cũng bức xúc không kém: " 14% tuy là doanh nghiệp đóng nhưng đó cả sức khỏe, tuổi trẻ bỏ hết công sức của công nhân đi làm.. Giờ đề xuất chỉ cho họ rút 8% là quá đáng".
Theo một bạn đọc tên Thuận, việc BHXH không cho người lao động rút là phí lý. Việc giữ 14% còn lại để chia sẻ thì chia sẻ cho ai? Chia sẻ cho những người không rút 1 lần này chia sẻ cho những người không tham gia BHXH? BHXH nên tôn trọng người tham gia, phải cho họ được quyền chọn tham gia hoặc không tham gia, quy định nào giảm quyền lợi cho người tham gia thì chỉ áp dụng cho người tham gia kể từ thời điểm đó, chứ phải người ta tham gia từ trước giờ cứ ép sao cũng được".
Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Không giải thích được thì đem quốc tế ra so sánh dù biết rằng sự so sánh đó khập khiễng, có những người lại so sánh với quốc gia có GDP đầu người cao hơn ta vài lần hay vài chục lần. Tiền của người lao động làm ra thì hãy để tự họ quyết định. Cùng góc nhìn, bạn đọc tên Tâm cũng cho rằng đúng là vô lý, càng sửa càng thu hẹp quyền lợi của người lao động. Nói 8% là của người lao động đóng, 14% kia là của DN đóng nên giữ lại. "Vậy thì xin được hỏi nếu người lao động không làm việc cho doanh nghiệp thì chủ sử dụng lao động có tự bỏ ra 14% để đóng BH không????" - bạn đọc này đặt câu hỏi.
Theo bạn đọc tên Lập, BHXH là nguồn thu nhập nuôi sống cho người lao động khi về già hoặc không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc, nếu người lao động đóng chưa đủ năm thì họ được hưởng phần trăm lương hưu thấp, còn có những người họ đóng đủ năm theo yêu cầu mà chưa đến tuổi nghỉ hưu thì BHXH nên xem xét cho người lao động hưởng lương hưu trước tuổi. Phải có cơ chế điều hành sao cho cả người lao động lẫn cơ quan BHXH đều có lợi thì mới thu hút được người lao động tham gia BHXH mà không rút 1 lần. |