Tiêu điểm

Doanh nghiệp Việt Nam hiện thực hoá khát vọng toàn cầu, nhìn từ câu chuyện VinFast


Câu chuyện lớn nhanh và bước mạnh ra thị trường thế giới của VinFast gợi mở nhiều vấn đề cho hiện thực hoá khát vọng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 15/8, VinFast - hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ. Theo đó, VinFast đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu và là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến hiện tại.

Ngay sau khi vừa mở phiên giao dịch, mã VFS của VinFast đã tăng từ 22 USD/cổ phiếu lên mức 23,11 USD/cổ phiếu. Sau hơn hai tiếng, mã VFS của VinFast đã bật tăng hơn 32%, vươn lên mức giá 29,05 USD/cổ phiếu. Từ đó đến nay, mọi biến động của mã cổ phiếu này được nhiều người dân cũng như giới truyền thông của Việt Nam quan tâm.

2840-vinfast

Doanh nghiệp Việt Nam hiện thực hoá khát vọng toàn cầu nhìn từ câu chuyện VinFast

Thành lập năm 2017, năm 2018 cho ra mắt dòng sản phẩm xe máy điện đầu tiên, năm 2019 chiếc VinFast Lux SA 2.0L màu trắng xuất xưởng trở thành mẫu xe đầu tiên của thương hiệu ôtô Việt Nam 100%, đánh dấu sự khởi đầu mới, đầy thách thức với ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam.

Thời điểm này, tiếng tăm của VinFast nổi như cồn, từ các diễn đàn lớn đến những cuộc tụ tập “trà đá vỉa hè” cũng có thể nghe nhắc đến xe điện, tới VinFast có khen nhưng cũng có nghi ngờ, thậm chí không tin tưởng.

Sự hiện diện nhanh chóng, độ phủ cao của dòng xe “Xanh SM” rất khác biệt của VinFast tại các thành phố lớn thời gian gần đây đã giúp thương hiệu xe này gần hơn nữa với người dân, tạo nhận diện cũng được người tiêu dùng dần chấp nhận.

VinFast và câu chuyện xe điện rất nổi tiếng tại Việt Nam, từ chỗ nghe đồn phong phanh Vingroup sản xuất ô tô mà lại là ô tô điện đến khi sản phẩm hiện diện trên thị trường chỉ trong một khoảng thời gian quá ngắn. Có người nói may mắn khi VinFast cho ra mắt sản phẩm xe điện đúng thời điểm khủng hoảng năng lượng, giá nguyên liệu hoá thạch quá cao. Thế nhưng, có một điều dễ hiểu, không một nhà sản xuất nào có thể đưa ra sản phẩm mới, tự sản xuất, bắt nhịp xu hướng chỉ trong một vài năm. Đã phải có một quá trình nghiên cứu, chuẩn bị lâu dài kể cả với ông lớn như Vingroup.

Từ câu chuyện của VinFast soi chiếu vào cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam với khát vọng bước ra và khẳng định vị trí trên thị trường toàn cầu đang tồn tại nhiều vấn đề. Được xác định là lực lượng giữ vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, khối doanh nghiệp đã và đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, câu chuyện “mãi chưa chịu lớn” của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân đã được các chuyên gia bàn thảo nhiều.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội từng cho rằng, bên cạnh yếu tố quản lý nhà nước, có nguyên nhân quan trọng là bản thân nhiều doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được 5 yếu tố quyết định, bao gồm chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.

Không ít doanh nghiệp Việt Nam không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”, muốn có “tiền tươi thóc thật” ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn”, TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Có lẽ, đây mới thực sự là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam, muốn lớn lên, muốn phát triển, muốn theo kịp xu hướng bản thân doanh nghiệp phải có tầm nhìn, có chiến lược phát triển, phải được thực hiện một cách kiên định và linh hoạt. Quan trọng nhất, doanh nghiệp phải vượt lên chính mình và điều này chỉ có thể bản thân doanh nghiệp thực hiện được, sự hỗ trợ đồng hành của Nhà nước bằng các chính sách chỉ là điều kiện cần.

Việt Nam đang trở thành điểm đến sản xuất hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, có tận dụng được cơ hội hay không, có vượt qua được “bẫy” gia công hay không, có được sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hay không và trở thành mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu hay không phụ thuộc vào tư duy và hành động của doanh nghiệp.

Và cũng như VinFast vai trò của người “dẫn đường” với tư duy tốt, nhận diện được cơ hội thị trường và quan trọng là kiên quyết với mục tiêu vẫn luôn là yếu tố quyết định.

 
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật