Tiêu điểm

Giá xăng giảm, giá thực phẩm thì không, người lao động lo lắng chi tiêu dịp cận Tết


Dù giá xăng dầu xuống thấp, thế nhưng, các mặt hàng không những không hạ giá mà còn có chiều hướng tăng trong dịp cận Tết Nguyên đán. Điều này khiến phần đa người lao động lo lắng.

Giá xăng giảm, giá thực phẩm thì không, người lao động lo lắng chi tiêu dịp cận Tết

Tất cả mặt hàng thực phẩm đều có mức giá cao mặc dù giá xăng giảm thấp. Ảnh: Trần Trọng

Giá xăng giảm, giá thực phẩm thì không

Giá xăng tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống, trong đó có thực phẩm - mặt hàng không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Đây là nguyên nhân chính mà các tiểu thương đưa ra để giải đáp cho việc giá thực phẩm cao. Thế nhưng, cái "tỉ lệ thuận" đó đã không còn đúng so với hiện tại.

Sau phiên điều chỉnh giá xăng dầu ngày 12/12, giá xăng nay đã chạm mốc 20.000 đồng/lít. Tuy nhiên, tại các khu chợ, siêu thị... các mặt hàng thực phẩm vẫn có giá cao "ngất ngưởng". Giá cả đã không giảm, thậm chí, còn không ngừng tăng lên.

Ngày 14/12, thực tế ghi nhận tại chợ Rạng Tếch, TP Sơn La, mọi hoạt động mua bán vẫn diễn ra tấp nập vì đây là nhu cầu bất khả kháng, nhưng xen lẫn là sự đắn đo, lựa chọn kỹ món ăn hơn vì giá cả mặt hàng nào cũng đều cao.

Theo ông Cà Văn Lán (58 tuổi, chủ sạp rau tại chợ Rạng Tếch): "Giá rau củ quả gần 1 tháng nay tăng cao, lượng người đến mua vẫn như trước tuy nhiên số tiền họ bỏ ra lại ít hơn. Thay vì 1 bó rau cho 1 bữa thì họ có thể chia đôi số rau ấy cho cả ngày".

Người mua đắn đo lựa chọn thực phẩm.

Người lao động đắn đo lựa chọn thực phẩm.

Các loại rau được sạp nhà ông Lán bán theo từng rổ. Trước đây, giá mỗi rổ rau chỉ khoảng 6.000 - 7.000 đồng, nhưng nay đã tăng lên 10.000 đồng/rổ.

Những loại rau đắt nhất như: Rau ngót, su su, mồng tơi, cải cúc, đậu hà lan... có những ngày vượt quá giá 10.000 đồng.

Các loại củ quả phổ biến vào mùa đông như súp lơ, cà rốt, củ cải, bí đỏ, bí xanh... cũng không ngoại lệ - tăng vài nghìn đồng/kg.

Riêng hành lá, trước đây người bán có thể tặng kèm cho khách. Tuy nhiên, do giá cao lên mức 50.000 - 60.000 đồng/kg nên khi mua 5.000 đồng thì chỉ được vài cây.

Ông Lán lý giải, các loại thực phẩm đắt là do lượng mặt hàng này ngày càng khan hiếm, các thương lái đến tận nhà dân mua với giá cao rồi chở xuống các tỉnh dưới xuôi.

"Trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng" - vị tiểu thương khẳng định.

Nghịch lý là, theo các tiểu thương, giá các mặt hàng thịt không đổi so với nửa năm trước (thời điểm giá xăng dầu cao nhất). Trong khi đó, chăn nuôi là ngành cần nhiều nguồn nguyên nhiên liệu hơn, dễ chịu sự ảnh hưởng của giá xăng dầu hơn.

Giá các loại rau củ quả đều tăng khoảng 1,5 lần.

Giá các loại rau củ quả đều tăng khoảng 1,5 lần.

Theo đó, giá 1kg các loại thịt được người dân sử dụng phổ biến như: Thịt bò vẫn giữ mức 250.000 đồng, thịt lợn từ khoảng 130.000 - 150.000 đồng, riêng thịt lợn bản có thể lên đến 400.000 đồng, còn thịt gà ở mức 170.000 - 180.000 đồng.

Người lao động loay hoay tìm cách giải

Chị Lò Thị Hương (38 tuổi, trú phường Chiềng Lề, TP Sơn La) chia sẻ: "Đi chợ cũng là việc khiến tôi đau đầu, mỗi bữa đều phải suy nghĩ nấu món gì sao cho vừa đảm bảo sức khỏe, vừa phù hợp với túi tiền. Vì giá thực phẩm tăng cao nên đành phải giảm lượng thức ăn xuống, thay vào đó là tăng thực phẩm khác như cơm, canh. Đôi khi, tôi còn phải đắn đo việc mua hoa quả ăn tráng miệng".

 

Các loại thịt đều giữ nguyên mức giá thời đỉnh điểm.

Anh Hoàng Văn Dân (28 tuổi, trú tại TP Sơn La) dự đoán, giá các mặt hàng vào thời gian cận Tết có thể tiếp tục tăng cao vì nhu cầu của người tiêu dùng cũng như lượng hàng giảm, đây là tình trạng diễn ra hàng năm nên những người lao động sẽ phải tính toán chi tiêu thật chặt chẽ.

"Các chi phí luôn tăng mà các khoản thu nhập thì vẫn thế, tạo ra bài toán vô cùng khó cho người dân" - anh Dân trăn trở.

Đối với người dân, người lao động thì cận Tết là thời điểm mua sắm đồ đạc, chuẩn bị nhiều thứ để đón chào năm mới với khoản chi phí không nhỏ sau 1 năm làm ăn tích góp.

Tuy vậy, năm 2022 với nhiều biến động của xã hội như dịch bệnh, giá cả thị trường tăng cao làm giảm cơ hội việc làm, thu nhập thấp, đặc biệt là dịp cuối năm đã khiến cho người lao động đứng trước nỗi lo vô cùng lớn trong dịp cận Tết Nguyên đán.

Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật