Tiêu điểm

Ngân hàng bán nợ xấu: Chuyện cũ nhưng tài sản mới


Nhiều khoản nợ xấu là “động sản” hy hữu đã xuất hiện trong danh mục đấu giá của các ngân hàng trong thời gian gần đây như: sản phẩm kinh doanh tồn kho, quần áo cũ, vườn cây lâu năm không chăm sóc, đàn gà...

Các tổ chức tín dụng đang nỗ lực xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu tăng, thị trường tài sản đi xuống. Nhiều cán bộ ngân hàng chia sẻ, phải tìm những khoản nợ đẹp nhất trong khối nợ xấu, tức là những khoản nợ có tài sản đảm bảo tốt, để ưu tiên chào bán.

Trang trại gà, quần áo cũ, vườn cây… cũng được đưa ra đấu giá

Nợ xấu phình to cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng khiến nhiều ngân hàng tăng tốc thu hồi, xử lý nợ xấu.

Năm nay, các khoản nợ xấu được ngân hàng thanh lý không chỉ là bất động sản, các khoản vay tiêu dùng, thị trường nợ chứng kiến nhiều trường hợp đấu giá nợ hy hữu. Điển hình, mới đây VietinBank cũng vừa rao bán khoản nợ xấu hy hữu là khoản nợ của Công ty cổ phần ĐTK và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Trung ương, với các tài sản đảm bảo là một số lô đất và hàng tồn kho còn bao gồm toàn bộ đàn gà ba đời của công ty (gà ông bà, gà bố mẹ, gà con) và cả trứng gà.

Trước đó, nhiều loại tài sản thế chấp thuộc dạng khó có ai mua như: sản phẩm kinh doanh tồn kho, quần áo cũ, vườn cây... cũng được ngân hàng rao bán.

-8807-1669029080.jpg

Agribank đang rao bán hàng loạt khoản nợ xấu để thu hồi nợ.

Lãnh đạo của một ngân hàng chia sẻ, đấu giá khoản nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Tài sản thế chấp được đem ra đấu giá thu hồi khoản nợ đa dạng như: Đất đai, nhà cửa, xe, máy móc, thậm chí hoa mầu, gà, vịt, quần áo cũ...

Tuy nhiên, vào thời điểm này, kinh tế khó khăn những khoản nợ trước đây "đắt hàng" như bất động sản thì nay thị trường đi xuống, thanh khoản sụt giảm đã tác động rõ rệt đến hoạt động xử lý nợ của các ngân hàng. Do đó, những tài sản là máy móc, thậm chí hoa mầu, gà, vịt, quần áo cũ... sẽ khó tìm nhà đầu tư.

Điển hình, tháng 7 vừa qua, Agribank chi nhánh huyện Lạc Sơn, Hoà Bình tiếp tục bán đấu giá tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty cổ phần Cà phê Thái Hoà Hoà Bình sau nhiều lần rao bán bất thành. Tổng diện tích đất lên đến gần 75.000m2 nhưng giá khởi điểm chỉ 3,4 tỷ đồng. Ngoài diện tích đất cực lớn, tài sản đáng kể nhất trên khu đất này là hàng nghìn cây cà phê lâu ngày không được chăm sóc, số cây cà phê còn lại chỉ 30% so với thời điểm thế chấp và đều bị còi cọc, chậm phát triển.

Vào tháng 4/2022, Agribank Chi nhánh Lào Cai II thông báo bán tài sản thế chấp là lô hàng hóa tồn kho gồm các mặt hàng quần áo, thời trang, gia dụng, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình đều cũ, lỗi mốt … với giá khởi điểm 60 triệu đồng.

Nợ xấu phình to, sàn giao dịch nợ hoạt động ì ạch

Báo cáo tài chính quý III/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy, tổng nợ xấu tăng mạnh, trong khi đó hoạt động thu hồi nợ xấu chậm lại rõ rệt. Đơn cử tại Vietinbank, tổng dư nợ xấu nội bảng ở ngân hàng đã tăng 23% trong 9 tháng đầu năm, lên mức 17.650 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,3% lên 1,4%.

Tại Vietcombank tổng nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng 47% so với đầu năm, với hơn 9.000 tỷ đồng. Điều này cũng khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,64% hồi đầu năm lên 0,8%, dù vậy đây cũng là tỷ lệ thấp so với nhiều ngân hàng khác.

Tương tự, tổng nợ xấu của BIDV tại ngày cuối quý 3 vừa qua đã tăng 49% so với đầu năm lên 20.125 tỷ đồng. Điều này cũng đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ngân hàng này tăng từ 1% đầu năm lên 1,35%.

Ngoài lý do khó khăn chung của nền kinh, một trong những lý do chính khiến hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chậm là thị trường mua bán nợ vẫn chưa hình thành.

Sau 1 năm ra mắt, sàn giao dịch nợ xấu vẫn hoạt động khá ì ạch. Mặc dù các ngân hàng bước đầu đã rao bán nợ trên sàn, song tổng giá trị thu hồi nợ thành công còn rất khiêm tốn (khoảng 770 tỷ đồng). Trong khi đó, website để ngân hàng đăng thông tin bán tài sản đảm bảo nợ xấu cũng chưa được hoàn thiện.

Hiện nay, trên sàn giao dịch nợ của VAMC, có hơn 16 tổ chức tín dụng chào bán, với tổng giá trị nợ và tài sản đảm bảo khoảng 32.000 tỷ đồng.

"Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế vận hành, hoàn chỉnh website để giúp tổ chức tín dụng cập nhật, đăng bán các khoản nợ xấu như tài sản đảm bảo, cũng như tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng truy cập", Phó Tổng Giám đốc VAMC Đỗ Giang Nam thông tin.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8 đang ở 1,9%. Các ngân hàng vẫn đang nỗ lực thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng và tìm kiếm các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hồi sinh các khoản nợ xấu.

Huyền Anh

Tác giả: Trang trại gà, quần áo cũ, vườn cây… cũng được đưa ra đấu giá
Bài viết liên quan