Doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung hàng hóa
Trước nhu cầu tiêu dùng hàng hoá những tháng cuối năm tăng cao, Sở Công Thương các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang tích cực triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán năm 2023.
Tại An Giang, ngay từ đầu năm 2022, Sở Công Thương An Giang đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa tham gia bình ổn thị trường.
Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân cho biết, hiện đã có 21 doanh nghiệp (với 498 cửa hàng) chủ lực của An Giang đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán năm 2023. Tổng số tiền dự trữ dự kiến khoảng 4.191 tỷ đồng, tăng 4,6% so kế hoạch năm 2021 (4.000 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Thành Huân, so với năm 2021 kế hoạch bình ổn hàng hóa thị trường năm nay có nhiều nét mới nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc chủ động dự trữ hàng hóa đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu. “Nếu như những năm trước sau khi nhận được thông báo, các doanh nghiệp đăng ký để Sở Công Thương nắm thì năm nay, Sở Công Thương đã chủ động tổ chức đoàn đến trực tiếp làm việc với lãnh đạo quản lý của các nhà phân phối, tập đoàn lớn cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho tỉnh, đảm bảo cung-cầu ổn định thị trường hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Thành Huân cho biết.
Tại Tây Ninh, ngày 08/08 Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Các hệ thống siêu thị đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường |
Theo đó, chương trình bắt đầu từ ngày 1/7/2022 kéo dài đến hết ngày 31/3/2022. Các nhóm hàng tham gia chương trình gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu: gạo, ngũ cốc 16.800 tấn/tháng; đường 700 tấn/tháng; dầu ăn 840.000 lít/tháng; thịt gia cầm 2.100 tấn/tháng; thịt gia súc 2.100 tấn/tháng; trứng gia cầm 11,2 triệu quả/tháng; rau, củ quả 21.000 tấn/tháng; thuỷ hải sản 3.500 tấn/tháng. Gia vị gồm: muối ăn 252 tấn/tháng; nước mắm 700.000 lít/tháng; nước tương 700.000 lít/tháng.
Ông Lê Hoàng Nin – Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh như: Siêu thị Co.opmart; Siêu thị EB Trà Vinh (GO Trà Vinh); Siêu thị Vinmart (Vincom); Hệ thống cửa hàng Bách Hoá Xanh và Cửa hàng Vinmart+,...đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Các nhóm hàng tham gia bình ổn gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu: gạo, sản phẩm chế biến (mì ăn liền, cháo ăn liền,...), đường (RE, RS), dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản (chế biến, tươi sống, đông lạnh); tất cả sản phẩm sữa nước và sữa bột; khí dầu mỏ hóa lỏng (gas).
Các mặt hàng tham gia là sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp; có nguồn cung dồi dào, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
Thông tin kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh An Giang, cũng như trong dịp Tết Nguyên đán 2023, ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn khẳng định, doanh nghiệp sẽ đảm bảo cân đối cung- cầu và có thể tăng sản lượng trong những ngày Tết Nguyên đán 2023, không để đứt gãy nguồn hàng với giá cả phù hợp, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Sở Công Thương và lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại các siêu thị |
Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Đồng Tháp Ngô Thoại cũng cam kết đảm bảo nguồn thịt heo và trứng gia cầm của công ty đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, không để đứt gãy nguồn cung và không tăng giá bất hợp lý. “Riêng 3 ngày cận Tết, công ty có thể tăng sản lượng nguồn cung cho địa bàn An Giang tăng 300% so với ngày bình thường, không để đứt gãy nguồn hàng với giá phù hợp”, Ngô Thoại khẳng định.
Thường xuyên theo dõi tình hình thị trường
Để thực hiện tốt chương trình đảm bảo cung-cầu và bình ổn thị trường trong thời gian tới, các Sở Công Thương tại địa phương sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và tình hình cung cầu hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá tham gia chương trình, kịp thời thực hiện biện pháp bình ổn thị trường theo thẩm quyền, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát năng lực sản xuất, khả năng bảo đảm nguồn hàng, tình hình dự trữ, cung ứng hàng hoá bình ổn thị trường...
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân, để chủ động nắm tình hình, ngay từ tháng 7/2022, Sở Công Thương đã chủ động tổ chức 4 chuyến công tác làm việc với 4 doanh nghiệp phân phối lớn nhằm chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là thị trường Tết Nguyên đán năm 2023, đảm bảo nguồn hàng thiết yếu phục vụ người dân phong phú, giá cả hợp lý. Trong đó trọng tâm là mặt hàng thịt heo.
Đồng thời, phối hợp Siêu thị Tứ Sơn tổ chức 99 chuyến hàng và 2 phiên chợ, phối hợp Siêu thị Co.opmart Thoại Sơn tổ chức 1 chuyến hàng lưu động hàng Việt về nông thôn. Cùng với đó đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức các sự kiện khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương An Giang thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đồng thời, phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường; nắm tình hình chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường và việc thực hiện các quy định về kinh doanh. Từ đó, có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại và tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.