Cán bộ y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh.
Adenovirus bùng phá, các quận nội thành ghi nhận số ca mắc cao
Theo số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến 16/10, Hà Nội ghi nhận 3.938 bệnh nhân dương tính với Adenovirus.
Các bệnh nhân dương tính Adenovirus phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, đã có 3 trường hợp tử vong Mỹ Đức (1), Phú Xuyên (1), Tây Hồ (1).
Một số quận huyện ghi nhận số ca mắc cao như: Hoàng Mai (356), Hà Đông (312), Đống Đa (302), Nam Từ Liêm (289), Thanh Xuân (262).
Hiện chưa có vaccine phòng ngừa Adenovirus, vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vaccine phòng bệnh đang sẵn có.
Sốt xuất huyết bắt đầu vào cao điểm mùa dịch
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, thủ đô ghi nhận 1.420 ca mắc sốt xuất huyết. 30/30 quận, huyện, thị xã đều có ca bệnh.
Cộng dồn từ đầu mùa dịch 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 8.199 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 5 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 (2.482 ca mắc, không có ca tử vong).
Theo nhận định của CDC Hà Nội, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong tháng 11 và 12 do đang trong cao điểm mùa dịch.
Để kiểm soát dịch, lực lượng chức năng tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Ngoài dịch bệnh sốt xuất huyết và Adenovirus, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 dù đang giảm nhưng có nguy cơ diễn biến phức tạp nếu xuất hiện biến chủng mới.
Bên cạnh đó, dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người xuất hiện trở lại tại Việt Nam sau 8 năm, dịch bệnh đậu mùa khỉ lăm le xâm nhập... cũng là thách thức lớn đối với ngành y tế các địa phương.