Cập nhật lúc 8h32’ ngày 16/8, trong nước, các hệ thống kinh doanh tiếp tục điều chỉnh giảm giá vàng, sau phiên điều chỉnh mạnh đến 500.000 đồng/lượng ngày 15/8.
Giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục xu hướng giảm (Ảnh: Int) |
Vàng bạc Đá quý Sài Gòn giảm 200.000 đồng/lượng cả 2 chiều. Theo đó, ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 65,9 – 66,9 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang được mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Tương tự, Tập đoàn Phú Quý điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng, niêm yết mức 65,9 – 66,9 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn DOJI tại TP Hồ Chí Minh giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua, 50.000 đồng/lượng chiều bán, niêm yết 65,9 – 67,0 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội vẫn giữ nguyên ở cả 2 chiều, niêm yết 66,05 – 67,05 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng ngày 16/8 (giờ Việt Nam), theo Kitco, vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.779,6 USD/ounce, giảm 20,4 USD/ounce so với đầu giờ sáng hôm qua. Giá vàng tương lai cũng giảm 17,2 USD/ounce xuống 1.781,4 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương gần 50,5 triệu đồng/lượng (chưa thuế, phí), chênh lệch với giá vàng trong nước 16,4 triệu đồng/lượng.
Đêm qua, giá vàng thế giới có lúc vọt lên 1.818 USD/ounce. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá kim loại loại quý này chịu áp lực đi xuống do lo ngại nguồn cầu đối với vàng bị hạn chế sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế trong tháng 7 đáng thất vọng. Từ đó, giá các mặt hàng thô bị ảnh hưởng, dẫn đến việc giá dầu thô giảm mạnh, giao dịch quanh mức 88,5 USD/thùng.
Mặt khác, thị trường nhận thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % vào tháng 9/2022. Theo đó, nhiều người đã tăng nhu cầu nắm giữ "đồng bạc xanh", giúp USD tăng giá so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) lên mức 106,49, gây bất lợi cho giá vàng.
Châu Giang