Tiêu điểm

Trái chiều bức tranh kinh doanh ngoại hối: Có nhà băng tăng trưởng gấp 21 lần, một ngân hàng lỗ hơn 600 tỷ


9 tháng đầu năm 2023, NCB là đơn vị ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh nhất hệ thống ngân hàng, mang về 167 tỷ đồng, tăng gấp gần 21 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, dù là ngân hàng có lợi thế đặc thù về hoạt động ngoại thương, Vietcombank chỉ ghi nhận mức tăng trưởng tại hoạt động này với con số khiêm tốn 4,1%.

Thống kê của VnBusiness từ báo cáo tài chính quý III/2023 của 28 ngân hàng cho thấy, kết quả kinh doanh ngoại hối tiếp tục là điểm sáng của nhiều nhà băng, song một số đơn vị lại ghi nhận lãi giảm hoặc thậm chí lỗ lớn từ mảng này.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của 28 ngân hàng đạt 18.272 tỷ đồng, tăng 28,2%.

Cụ thể, xét về mức độ tăng trưởng, trong 9 tháng, NCB là đơn vị ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh nhất hệ thống, mang về 167 tỷ đồng, tăng gấp gần 21 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mảng tăng trưởng tốt nhất trong các hoạt động kinh doanh chính của NCB.

LPBank cũng trải qua 9 tháng kinh doanh ngoại hối đầy khả quan với mức tăng trưởng lãi thuần lên tới 4 chữ số (tăng 1.360%) so với cùng năm trước, đạt 369 tỷ đồng, và là mảng tăng trưởng tích cực nhất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.

-7484-1699341935.jpg

Trong quý III/2023, kết quả kinh doanh ngoại hối tiếp tục là điểm sáng của nhiều nhà băng, song một số đơn vị lại ghi nhận lãi giảm hoặc thậm chí lỗ lớn từ mảng này.

Những ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tới 3 chữ số còn bao gồm OCB (tăng 336,5%), BaoViet Bank (285,6%), SeABank (149,3%) và SHB (147,3%).

Quý III, VIB và Bac A Bank là hai nhà băng đã thoát lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối khi lần lượt thu về 304 tỷ đồng và 93 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 223 tỷ đồng và 4 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, trong 9 tháng có 9/28 ngân hàng báo cáo giảm lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, gồm: Nam A Bank giảm 92,9%, VietABank (69,7%), BVBank (68,6%), MB (31,4%), Kienlongbank (22,5%), Saigonbank (23,4%), ABBank (9,4%),VietBank (8%) và PG Bank (7,8%).

Hai ngân hàng tư nhân lớn là Techcombank và VPBank tiếp tục ghi nhận kết quả kém khả quan từ mảng kinh doanh ngoại hối khi ghi nhận khoản lỗ lần lượt 117 tỷ đồng và 621 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước Techcombank vẫn thu về 29 tỷ đồng tiền lãi.

Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, Vietcombank tiếp tục là quán quân lãi từ kinh doanh ngoại hối với số lãi đạt 4.768 tỷ đồng nhờ lợi thế đặc thù về hoạt động ngoại thương từ hàng chục năm qua. Song, sau 3 quý, mức tăng trưởng từ mảng này của Vietcombank khá khiêm tốn, chỉ tăng nhẹ 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo sát Vietcombank là hai “ông lớn” trong nhóm Big 4 gồm VietinBank và BIDV. Theo đó, VietinBank ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 42,8%, đạt 3.485 tỷ đồng; trong khi hoạt động kinh doanh ngoại hối của BIDV có kết quả đột biến trong quý III, giúp lãi lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 3.140 tỷ đồng, tăng 56,1% so với cùng kỳ.

Xếp sau những ngân hàng quốc doanh là ACB khi vượt MB, MSB, Sacombank, ABBank lên vị trí Top 4 ngân hàng có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cao nhất nhờ mức tăng trưởng mạnh 98,7%, đạt 1.081 tỷ đồng.

Theo nhận định của ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc WiGroup, hai yếu tố giúp tổng thu nhập hoạt động của nhiều ngân hàng vẫn được duy trì trong quý III và 9 tháng đầu năm là hoạt động kinh doanh ngoại hối khi tỷ giá biến động cao và thu nhập từ mua giấy tờ có giá như trái phiếu, cổ phiếu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cũng lưu ý, việc ngân hàng lãi lớn từ kinh doanh ngoại hối không phải là điều đáng vui mừng, bởi khoản lãi này sẽ bù trừ cho những khoản lỗ mà doanh nghiệp khác phải chịu khi tỷ giá biến động.

Thanh Hồng

Bài viết liên quan