Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 2,6%
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8/2023 của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (World Bank- WB) đưa ra ngày 18/9 cho thấy việc tăng tốc giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Đơn hàng đã trở lại với nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày |
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 2,6% (so với cùng kỳ) trong tháng 8, do sản xuất công nghiệp cho tiêu dùng nội địa tiếp tục được mở rộng, đồng thời hoạt động xuất khẩu hàng tháng cũng tăng nhẹ trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2023.
Điều này phản ánh kỳ vọng nhu cầu bên ngoài được cải thiện trước mùa Giáng sinh và điều chỉnh tăng tăng trưởng ở Mỹ và Nhật Bản vào năm 2023. PMI Sản xuất của Việt Nam tăng lên 50,5 vào tháng 8/2023, sau 5 tháng liên tiếp nằm trong vùng suy giảm (tháng 3 - tháng 7), cho thấy sự cải thiện nhẹ trong điều kiện kinh doanh.
Đáng chú ý, đơn hàng đã trở lại với nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày. Một số doanh nghiệp cho hay, các đơn hàng cho quý IV/2023 cũng đã nhiều hơn trước. Cùng với đó, ngành da giày cũng dần phục hồi khi các doanh nghiệp đã ký được những đơn hàng mới.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony chia sẻ, sau nhiều tháng không có đơn hàng, mới đây 2 đơn hàng dệt may được Công ty xuất khẩu thành công đi Trung Đông, Singapore và tiếp tục nhận được đơn đặt hàng mới, đó là thị trường Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia và Campuchia. Đây là những thị trường có biên độ cạnh tranh rất dữ dội nhưng vẫn có thể làm được và có cái thuận lợi về logistics.
Không chỉ ngành dệt may, mà một số doanh nghiệp da giày cũng đã nhận những tín hiệu tích cực hơn về tình hình đơn hàng. Các doanh nghiệp Việt đã cơ cấu nội lực để tiết giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh.
"Quý III, quý IV, doanh nghiệp đã tương đối đủ đơn hàng để sản xuất cũng như tạo được công ăn việc làm cho người lao động tương đối ổn định", đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết.
Duy trì đà tăng trưởng những tháng cuối năm
Trong thời gian tới, đặc biệt trong những tháng cuối năm, để ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và là động lực tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn. Cụ thể đối với các ngành hàng chế biến, chế tạo, bài toán đau đầu nhất là giảm tỷ lệ phế phẩm và tăng tỷ lệ thành phẩm, nghĩa là giảm được các chi phí tái chế, tái sản xuất, cũng như giảm tỷ lệ lãng phí trong quá trình sản xuất. Giải quyết được vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ nâng cao được năng lực và hiệu quả sản xuất.
Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo duy trì được tăng trưởng ổn định, các ngành công nghiệp chủ lực như: Điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam.
"Tiến tới từng bước đưa những dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn vào vận hành để tạo ra sản xuất ở trong nước, tiêu thụ trong nước và từng bước xuất khẩu. Bên cạnh đó cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực công nghiệp để tạo ra nguồn lực phát triển công nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn", ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nói.
Về phía Bộ Công Thương cũng nêu giải pháp, các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp, có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả
Theo đó, trong những tháng cuối năm, Chính phủ, các cấp, các ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân nhanh. Quan trọng cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đáng chú ý sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng một số loại khoáng sản, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành các văn bản để đưa những khoáng sản có giá trị này vào khai thác và sử dụng, từ đó tạo ra động lực mới cho phát triển công nghiệp cũng như giúp Việt Nam tự chủ nguồn nguyên liệu trong việc sản xuất các sản phẩm mới.
Theo dự báo mới nhất của WB, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ ở mức 4,7% vào năm 2023, sau đó tăng dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6,0% vào năm 2025. |