Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, nằm trong chương trình tổ chức các khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và ứng dụng các công cụ, giải pháp hiệu quả trong thương mại điện tử tại các tỉnh, thành trong cả nước, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) vừa tổ chức hội nghị tập huấn tại 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre.
Toàn cảnh hội nghị tại Tiền Giang. Ảnh: http://ecomviet.vn |
Chương trình được phối hợp với Sở Công Thương 3 tỉnh, từ ngày 13-15/8, nhằm giới thiệu kỹ năng kinh doanh và ứng dụng các công cụ, giải pháp hiệu quả trong thương mại điện tử, đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trên địa bàn các tỉnh.
Tạo gian hàng, xây dựng các video ngắn, thành thạo livestream để quảng bá và bán sản phẩm; xây dựng thương hiệu và tăng hiệu quả kinh doanh trên các nền tảng số; tiếp cận các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiktok, Lazada…; đồng thời, nắm bắt được các giải pháp thanh toán số, nắm được các nguy cơ và cách phòng tránh lừa đảo khi tham gia các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, môi trường số.. là những nội dung chính đưa ra tại các buổi tập huấn.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, mua sắm trực tuyến hiện đã trở nên quen thuộc với nhiều người, và đây cũng là kênh bán hàng phổ biến hiện nay. Khi hoạt động mua bán, chốt đơn hàng qua mạng càng gia tăng thì các sàn thương mại điện tử cũng tăng cường thêm tính năng hỗ trợ người bán, trong đó có xu hướng livestream.
Thực tế, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 đến nay, bán hàng qua livestream đã thổi một làn gió mới giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã ổn định sản xuất, duy trì doanh số bán hàng.
Livestream bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng.
Cùng với đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thương mại điện tử nói riêng và trong quản lý doanh nghiệp nói chung được xem như một nhân tố góp phần thay đổi cách thức vận hành của nhiều doanh nghiệp, cải thiện trải nghiệm người dùng, tối ưu quy trình quản lý chuỗi cung ứng, tối ưu hóa chiến lược marketing, hỗ trợ khách hàng tốt hơn...
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và chấp hành các quy định pháp luật về thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do không tìm hiểu các quy định pháp luật trên lĩnh vực thương mại điện tử nên không thực hiện việc đăng ký/thông báo website thương mại điện tử với cơ quan quản lý (Bộ Công Thương) dẫn đến vi phạm không đáng có.
Để giúp các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp có kiến thức tổng quan trong kinh doanh trên nền tảng số, tại các hội nghị, bên cạnh việc giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử Việt Nam cũng như một số nền tảng, giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho doanh nghiệp, ông Võ Xuân Nam, Phụ trách đào tạo, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử đã chia sẻ cụ thể về những vấn đề pháp luật trong thương mại điện tử; đưa ra những hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký, thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phát biểu. Ảnh: http://ecomviet.vn |
Liên quan đến nội dung livestream, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã giới thiệu về livestream trên các nền tảng; các bước chuẩn bị và kỹ năng cần có cho livestream bán hàng; cách tiếp cận khách hàng, xây dựng chiến lược trong livestream; các nội dung chuyên sâu để tạo ra doanh thu lớn; trí tuệ nhân tạo AI, giải pháp ứng dụng trong công việc và thương mại điện tử...
Được biết, không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước thông qua phát triển thương mại điện tử, Báo cáo về thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á của nền tảng OpenGov Asia vừa công bố mới đây cho thấy, Việt Nam đang tăng cường nỗ lực phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới như một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, được hỗ trợ bởi nhiều chính sách, hướng dẫn và giải pháp đổi mới. Lĩnh vực này đang mở rộng với tốc độ nhanh hơn 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường trong khoảng thời gian từ 2022 - 2025, với dự báo cho thấy mức tăng trưởng hằng năm là 20% cho đến năm 2026.
Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động quốc tế, với số lượng sản phẩm xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế tăng 300% và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD.