Tiêu điểm

Có thể cho tư nhân thuê bệnh viện công?


Chiều 8/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Có thể cho tư nhân thuê bệnh viện công? - Ảnh 1.

Hội nghị ĐBQH chuyên trách chiều 8/9. ẢNH: VIẾT CHUNG

Đáng chú ý, là người trong ngành y, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) quan tâm đến điều khoản về hợp tác công tư trong y tế. ĐB đề xuất bỏ cụm từ "xã hội hóa y tế", bởi trong lịch sử của Việt Nam cũng như trên thế giới không thấy định nghĩa thế nào là xã hội hóa y tế.

"Không thể xã hội hóa y tế bằng cách tư nhân bỏ tiền ra chung với bệnh viện mua máy đặt trong bệnh viện công để chia nhau lợi nhuận", ĐB nêu quan điểm.

Có thể cho tư nhân thuê bệnh viện công? - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, chỉ nên quy định 3 hình thức hợp tác công tư trong y tế.

Một là cho vay, ưu đãi cho các bệnh viện được mua sắm, đầu tư, cụ thể hóa trong luật, khuyến khích điều này để bệnh viện sẽ có thể vay tiền của tổ chức tín dụng cũng như những tổ chức quốc tế. Bệnh viện đầu tư bằng nguồn tiền vay và có trách nhiệm bảo vệ vốn vay như một doanh nghiệp để bảo vệ trách nhiệm của mình khi vay tiền đầu tư cho y tế.

Hai là cho thuê, hình thức này đã có nhưng chưa rõ ràng. Đây là hình thức để các bệnh viện, các cơ sở y tế có thể thực hiện với hai chiều. Chiều thứ nhất là bệnh viện công thuê các phương tiện, trang thiết bị của bệnh viện tư, máy móc đắt tiền, những phương tiện không có đủ điều kiện mua thì thuê. Chiều thứ hai là tư nhân thuê bệnh viện công. Y tế công có thương hiệu, có hiểu biết, có nguồn chất xám rất lớn nhưng không đủ khả năng để bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện và vận hành bệnh viện về mặt quản trị. Do đó, chúng ta lấy thế mạnh của y tế công là thương hiệu, niềm tin người dân cộng với chất xám của các bác sĩ, điều dưỡng, nhà khoa học, còn tư nhân sẽ vận hành bệnh viện, tư nhân thuê lại thương hiệu. Mặc dù rất khó định giá thương hiệu của bệnh viện cũng như tài sản công nhưng theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, cần có hướng đi này.

Ba là hợp tác công tư phi lợi nhuận, thực tế trên thế giới đang triển khai từ rất lâu và rất thành công. Việt Nam đã có những bệnh viện tư nhân phi lợi nhuận, nhưng chưa có bệnh viện nào hợp tác công tư phi lợi nhuận. Nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ xây dựng bệnh viện và cho các bệnh viện công vận hành bệnh viện đó. Lợi nhuận được giữ lại đầu tư để phát triển bệnh viện rộng hơn, nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như cho các trường hợp bệnh nhân nghèo, khó khăn. Nên khuyến khích mô hình này và chắc chắn sẽ rất nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng bỏ tiền ra xây dựng bệnh viện thương hiệu nhà nước để phục vụ người bệnh, để lại tiếng thơm cho chính tổ chức, cá nhân đấy.

Đáng chú ý, ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đề nghị xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 3 kỳ họp, bởi đây là "luật xương sống" của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, nên cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp thực tiễn và khả thi.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng cho rằng nên thông qua dự án luật này tại 3 kỳ họp, bởi dự thảo luật đang có một số chính sách mới được bổ sung và một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, đây là dự án luật rất quan trọng, không chỉ là kim chỉ nam cho xử lý những vấn đề trước mắt, những vấn đề đang rất bức xúc mà còn là nền tảng và kim chỉ nam cho cả hệ thống y tế tiệm cận với nền y tế tiến bộ. Do đó, cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng những vấn đề đặt ra, đặc biệt những vấn đề đưa ra phải thật sự "chín".

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Lân Hiếu lại cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, không nên lùi thêm một kỳ họp nữa, mà nên thông qua dự thảo luật tại kỳ họp tới để gỡ rối vướng mắc trong y tế hiện nay.

Cũng theo ĐB Trịnh Xuân An, y tế là một ngành đặc biệt, đặc thù liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, lâu nay ngành y tế được được đối xử như những quan hệ bình thường của xã hội, từ lao động, việc làm, mua sắm, đấu thầu… Do đó, cần có những chính sách cụ thể đối với ngành y tế, nhất là trong đấu giá, đấu thầu, đồng thời có những chính sách đặc thù để tháo gỡ những tồn tại từ trước đến nay.

ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) chỉ rõ thực trạng, khu vực y tế công hiện tại thực hiện tự chủ tài chính nhưng cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ dẫn đến giảm nguồn thu. Hệ lụy là cơ sở không đủ tiền trả lương cho nhân viên, không tái đầu tư, không đủ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực khiến một bộ phận nhân viên y tế bỏ việc. Còn tại khu vực y tế tư nhân, do đã tính đúng, tính đủ cơ cấu giá các dịch vụ y tế với giá khám chữa bệnh cao nên nhiều bệnh viện tư có nguồn kinh phí dồi dào để thu hút lực lượng bác sĩ giỏi từ các bệnh viện công chuyển sang.

"Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám chữa bệnh của cả bệnh viện công lẫn bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội", ĐB Nguyễn Thanh Cầm nêu.

Tác giả: Phan Thảo
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật