Đây là khẳng định của các doanh nghiệp Nhà nước tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các chủ tịch, tổng giám đốc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước được tổ chức với chủ đề: Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng diễn ra sáng 15/4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Kiên định thực hiện mục tiêu tăng trưởng
Chia sẻ tại hội nghị, ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) - cho biết, trong quá trình hình thành và phát triển, các doanh nghiệp nhà nước đều có những khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen. Thấu hiểu sự khó khăn đó, Tập đoàn luôn xác định phải biến nguy thành cơ để vươn lên.
![]() |
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel Tào Đức Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Về tăng trưởng, trong năm nay, Viettel đặt mục tiêu tối thiểu vượt qua 8%, phấn đấu tăng trưởng 2 con số, điều này đòi hỏi Tập đoàn phải phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đã được giao. “Đối với lĩnh vực khoa học - công nghệ cao, Nghị quyết 57 đã có nhiều cơ chế, nguồn tiền, chiến lược, cơ chế mua sắm thiết bị, Nhà nước đã kiến tạo, Tập đoàn sẽ đặt ra mục tiêu cao hơn thì mới đáp ứng được mong mỏi của Đảng, Nhà nước”, ông Tào Đức Thắng nói.
Đồng quan điểm về việc này, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) - cho hay, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ xu hướng công nghệ, dịch chuyển năng lượng và đặc biệt là rất nhạy cảm với các vấn đề về địa chính trị… Trong bối cảnh đó, Petrovietnam vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%.
![]() |
Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam - phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Để đạt được mục tiêu đề ra, doanh nghiệp tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.
Thứ nhất, Petrovietnam phân bổ cấu trúc lại các nguồn lực cho các lĩnh vực, đồng thời đưa ra chính sách quản trị linh hoạt trong kinh doanh và quản trị rủi ro.
Thứ hai, tập trung vào đa dạng, mở rộng và cơ cấu lại thị trường, trong đó, tập trung vào thị trường trong nước và liên kết chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế trong nước. “Petrovietnam cũng đang chốt các điều khoản cuối cùng và dự kiến, tháng 6 tới sẽ ký được 2 hợp đồng xuất khẩu sang Đông Bắc Á và châu Âu trị giá khoảng 1 tỷ USD liên quan đến công nghiệp năng lượng”, ông Lê Mạnh Hùng nói.
Thứ ba, tập trung vào quản trị danh mục đầu tư gắn với quản trị vốn, tài chính và dòng tiền, kiểm soát các biến động liên quan đến tỷ giá và lãi suất, đặc biệt là các dự án lớn trong danh mục đầu tư của Petrovietnam.
“Từ nay đến cuối năm, gần như tháng nào Petrovietnam cũng sẽ đưa 1 công trình vào vận hành thương mại. Cụ thể, tháng 5 có dự án Đại Hùng 3 đưa vào vận hành, sẽ có thêm khoảng 10 ngàn thùng dầu một ngày; tháng 6 là dự án Nhơn Trạch 3, tháng 7 là Kình Ngư Trắng, tháng 8 là Nhơn Trạch 4… Như vậy, trong năm nay, việc đưa vào vận hành thương mại các dự án đầu tư sẽ giúp cho Petrovietnam giữ được nhịp tăng trưởng”, ông Lê Mạnh Hùng chia sẻ.
![]() |
Ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công ngiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đối với ngành than, ông Ngô Hoàng Ngân - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - cho biết, năm 2025, chúng tôi phấn đấu than sạch sản xuất sẽ đạt 39,5 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2024. Than tiêu thụ phấn đấu đạt 51,5 triệu tấn, tăng 2,5 triệu tấn so với năm 2024. Tổng doanh thu toàn ngành sẽ phấn đấu đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2024. Về nộp ngân sách, phấn đấu ở mức cao nhất. Giá trị đầu tư sẽ phấn đấu đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.
EVN duy trì khối lượng đầu tư cao để bảo đảm cung ứng điện
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: chúng tôi ý thức rằng, nhiệm vụ đầu tiên và trên hết là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho tăng trưởng kinh tế với tốc độ 8% hoặc cao hơn, sẵn sàng cho các kịch bản tăng trưởng hai con số. Hiện, EVN chỉ chiếm khoảng 36% công suất và 41% sản lượng điện cả nước. Nhưng dưới sự điều hành của Bộ Công Thương, chúng tôi đã xây dựng kịch bản năm nay là tăng trưởng từ 11-13%. Với các tính toán hiện nay, sau 1 quý, chúng ta có thể yên tâm về cung ứng điện, nếu không có các yếu tố quá bất thường, rủi ro.
![]() |
Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV EVN - phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Bên cạnh đó, EVN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng điện, bao gồm các công trình nguồn được giao trong Quy hoạch điện VIII và các công trình lưới điện. Theo ông Đặng Hoàng An, nhiều năm nay, EVN luôn là doanh nghiệp nhà nước đầu tư lớn nhất trong các tập đoàn, tổng công ty vốn nhà nước.
Cụ thể, năm 2023, EVN đầu tư được 84.000 tỷ đồng. Năm 2024, EVN đã giải ngân 112.892 tỷ đồng, đã hoàn thành Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng 360 MW và đóng điện 216 công trình, khởi công 102 công trình cấp từ 110 kV đến 500 kV. Năm nay, vẫn tiếp tục duy trì mục tiêu cao, tổng khối lượng đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng để đảm bảo cung ứng điện cho các địa phương.
Đồng thời, EVN cũng đang tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thông qua tăng năng suất lao động, giảm suất tiêu hao nhiên liệu và các chi phí của doanh nghiệp.
Về ứng dụng chuyển đổi số, EVN đã triển khai chương trình chuyển đổi số từ nhiều năm nay. Theo ông Đặng Hoàng An, đối với chuyển đổi số, quan trọng nhất là thay đổi phương thức làm việc. Để thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả, cần tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp. Do đó, rất mong các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin có nhiều sản phẩm, giải pháp hơn nữa phục vụ quản trị của các doanh nghiệp.
Liên quan đến chuyển đổi số, ông Lê Mạnh Hùng thông tin, các giải pháp về công nghệ đã góp phần giúp cho Petrovietnam đảm bảo được tốc độ tăng trưởng về doanh thu. Nhận thức rõ vai trò cũng như tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, ngày 3/1/2025 vừa qua, Đảng ủy Tập đoàn tiếp tục ban hành Nghị quyết về đột phá chiến lược về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của Petrovietnam.
Đại diện Petrovietnam cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cơ cấu lại chính sách thuế đối với tài nguyên, đặc biệt là đối với tài nguyên khí, để có thể thúc đẩy các dự án lớn đưa vào khai thác. Đồng thời, cho phép Tập đoàn được chỉ định cho các đơn vị trong tập đoàn thực hiện các công việc của Tập đoàn bởi hiện nay, các công việc này đều phải đấu thầu, tốn rất nhiều thời gian...
![]() |
Ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng Giám đốc VNPT - phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Khẳng định chuyển đổi số trong hoạt động, điều hành, quản trị của doanh nghiệp là "nội dung sống còn" của doanh nghiệp trong tình hình mới, đặc biệt là với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như VNPT, ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng Giám đốc VNPT - cho biết, với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, cùng năng lực và thực tế đã triển khai của đơn vị và hàng trăm nghìn khách hàng, VNPT mong muốn được cùng với Chính phủ đưa các giải pháp chuyển đổi số vào thực tế. Đây là đòn bẩy để chúng ta gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả vận hành và mở rộng dư địa tăng trưởng cho từng doanh nghiệp, từng ngành nghề.
Với sự phát triển và thay đổi chuyển đổi số từ quy trình hoạt động, từ dữ liệu lớn và dữ liệu nhân tạo, bằng các ứng dụng phát triển, năng lực dữ liệu, quản trị điều hành của doanh nghiệp Việt Nam, VNPT mong muốn được đồng hành với nhiều doanh nghiệp để nhân rộng và đưa cách triển khai này đến với các doanh nghiệp để phát triển hiệu quả.
Để chuyển đổi số nhanh, ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) khuyến nghị, các đơn vị cần quan tâm 6 giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, xây dựng quy trình và thể chế khi chuyển sang môi trường số do có sự khác biệt, tức là phải xây dựng quy trình, văn bản quy phạm pháp lý và thể chế kèm theo. Thứ hai, đột phá về mặt dữ liệu, tức là các bộ, ngành, địa phương phải chỉnh lý tài liệu. Số lượng tài liệu cần chỉnh lý rất nhiều, phải xác định tài liệu nào cần số hóa, tài liệu nào cần chỉnh lý, tài liệu nào cần lưu trữ. Thứ ba, đột phá về hạ tầng. Để kết nối trên môi trường số phải có sự kết nối, tốc độ tốt, có hệ thống lưu trữ, tính toán nhanh, hiệu quả, an toàn, có các thiết bị đầu cuối. Thứ tư, các nền tảng số này cần được đưa vào hoạt động, khai thác. Điều này đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp chuyển đổi số mà còn cần sự tham gia tích cực của người đứng đầu, các cán bộ nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị đó. Thứ năm, phải bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, bảo đảm không bị rò rỉ, thất thoát, lấy cắp thông tin. Thứ sáu, vấn đề con người, khi giao diện trên môi trường số đã được thiết kế thân thiện thì bộ phận các công chức, viên chức cần nâng cao nhận thức đối với công tác chuyển đổi số. |