Theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 1-12, trong tuần qua toàn thế giới ghi nhận thêm gần 2,68 triệu ca COVID-19 mới, tăng 2% so với tuần trước; thêm 8.442 ca tử vong mới, giảm 5% so với tuần trước.
Mức tăng chung thấp này là do sự "hạ nhiệt" ở 4/6 khu vực của WHO - những nơi mà làn sóng COVID-19 mùa thu vừa càn quét các tuần lễ trước - báo gồm châu Âu (giảm 14%), Đông Nam Á (giảm 8%), Đông Địa Trung Hải (giảm 17%) và châu Phi (giảm 18%).
Bản đồ tỉ lệ số ca mới trên dân số, trong đó màu càng ngả về cam - đỏ thì tỉ lệ càng cao, màu càng xanh thì tỉ lệ giảm mạnh so với các tuần lễ trước - Ảnh: WHO
Ngược lại dấu hiệu của làn sóng mới thấy rõ ở hai khu vực là Tây Thái Bình Dương (tăng 8%) và châu Mỹ (tăng 19%).
Tuy mức tăng chỉ 8% nhưng do đang trên đã tăng 7 tuần liên tiếp, số ca COVID-19 mới ở Tây Thái Bình Dương chiếm tới 48% số ca toàn cầu, tương ứng hơn 1,29 triệu ca. Khu vực này gồm một phần lớn châu Á và châu Úc, tuy nhiên phần gia tăng chủ yếu nằm ở châu Á trong khi châu Úc đã "hạ nhiệt" sau làn sóng mùa thu.
Trong bản đồ tỉ lệ ca mắc mới trên dân số, Việt Nam vẫn được đánh dấu màu vàng nhạt (dưới 10 ca/100.000 dân), là mức thấp nhất. Trên bản đồ tỉ lệ tử vong, WHO tô màu xanh dương cho nước ta, biểu thị số ca tử vong giảm thấp tận "đáy".
Châu Âu xếp thứ 2 thế giới về số ca (771.981 ca) nhưng đã giảm nhiều so với tuần trước, trong khi mức tăng 21% khiến châu Mỹ có 550.990 ca, trong đó hơn một nửa số ca đến từ nước Mỹ, tuy nhiên hầu như toàn bộ Mỹ La Tinh đang chứng kiến đà tăng mới nhất là Brazil và Mexico.
Kết quả phân tích các trình tự gien SARS-CoV-2 được tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAD cho thấy 73% thế giới vẫn được bao trùm bởi BA.5 và các hậu duệ. Một trong các hậu duệ thoát miễn dịch mạnh nhất của BA.5 là BQ.1 cho thấy sự áp đảo dần và rất có thể sẽ là nguyên nhân chính trong làn sóng mùa đông. Tỉ lệ BQ.1 toàn cầu tuần qua là 27,3%, tăng khá nhanh so với mức 23,1% tuần trước; trong khi XBB chỉ tăng nhẹ từ 5,4% lên 6,6%. |