Tiêu điểm

Đà Nẵng: Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố


Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP, công nghiệp công nghệ thông tin là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Đây là thông tin được cung cấp trong hội thảo "Chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ số thành phố Đà Nẵng" do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 16/3.

Đà Nẵng: Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố
Kinh tế số đang đóng góp 17% GRDP TP. Đà Nẵng và thành phố đặt mục tiêu đưa tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030

Theo ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, công tác chuyển đổi số tại Đà Nẵng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. 2 năm liên tiếp (năm 2021 và năm 2022), thành phố xếp hạng Nhất chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Năm 2022, ngành Thông tin và Truyền thông tăng trưởng 8,8% so với năm 2021, kinh tế số hiện đóng góp khoảng 17% trong GRDP thành phố Đà Nẵng.

Mục tiêu của TP. Đà Nẵng đến năm 2030 kinh tế số đóng góp tối thiểu 30% trong GRDP thành phố, trong đó, công nghiệp công nghệ thông tin đóng góp tối thiểu 15% GRDP; và ngành công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Bà Thân Trọng Trần Thi, Trưởng phòng Đầu tư và Hạ tầng số (Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng) cho rằng Đà Nẵng có đủ khả năng hiện thực mục tiêu này. Hiện trung bình Đà Nẵng có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân, cao gấp 3 trung bình cả nước, với khoảng 47.500 nhân lực công nghệ thông tin, trong đó, có 22.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Doanh nghiệp công nghệ thông tin tại thành phố hiện tập trung vào thiết kế vi mạch, sản xuất phần cứng, trí tuệ nhân tạo…

Ngoài nhân lực sẵn có, hiện trên toàn thành phố chỉ tiêu tuyển sinh ngành công nghệ thông tin khoảng 5.700 chỉ tiêu. Trong đó trình độ Đại học, Cao đẳng khoảng 4.500 chỉ tiêu; chuyên ngành điện tử - viễn thông hơn 700 chỉ tiêu. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng còn được cung cấp từ các cơ sở đào tạo ở khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, bà Thi cũng chỉ ra ngoài những lợi thế đã có sẵn trên, thành phố phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy công nghiệp công nghệ thông tin và kinh tế số phát triển như xây dựng Đề án thúc đẩy, phát triển, ươm tạo doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; phát triển các hạ tầng phụ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh thông qua việc áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận các thị trường quốc tế...

 
Bài viết liên quan