Tiêu điểm

Đồng hành cùng HTX hướng tới nông nghiệp đa giá trị


Để người dân, HTX hưởng lợi từ nông nghiệp đa giá trị không hề dễ, bởi nông nghiệp đa giá trị cần phải đầu tư nhiều hạng mục đòi hỏi nguồn đầu tư không hề nhỏ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để hướng tới những giá trị xanh, song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp đa giá trị.

Khó từ nội tại đến khách quan

Đặc biệt, nếu ngành nông nghiệp chỉ tập trung phát triển theo lối truyền thống thì nhiều sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, rau màu, trái cây… đã gần như tới hạn về mặt sản lượng, năng suất. Nếu không mở rộng sang phát triển nông nghiệp đa giá trị, nhiều nông sản trong ngành hàng nông nghiệp sẽ khó bứt phá, thậm chí thụt lùi.

Theo ước tính, khâu sản xuất thô chỉ chiếm khoảng 15-20 giá trị của sản phẩm nông nghiệp, nghĩa là khoảng 80% giá trị sản phẩm nằm ở khâu sau thu hoạch. Do đó, mỗi cánh đồng, mỗi cánh rừng, đoạn sông đều có những giá trị riêng nếu người dân, HTX biết cách khai thác một cách phù hợp.

Vì vậy, muốn phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả cần sản xuất theo nhu cầu thị trường và khai thác tối đa giá trị, có trách nhiệm với môi trường bằng sản xuất xanh, sạch... Hiện, nhiều HTX đã trồng rừng kết hợp làm du lịch, trồng lúa kết hợp nuôi rươi - nuôi cáy, trồng lúa kết hợp nuôi tôm…

-6773-1722939337.jpg

HTX Tuấn Ngọc (TP.HCM) là mô hình tiên phong sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị.

Theo ông Lâm Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp Tuấn Ngọc (TP.HCM), phát triển nông nghiệp đa giá trị mang lại cho HTX nhiều nguồn thu, nhưng song song đó cũng có những nút thắt nhất định. Cụ thể là HTX cần nguồn vốn đầu tư ban đầu cao và nguồn nhân lực chất lượng. Nếu được hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi sẽ giúp HTX bứt phá trong sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị, vì nhu cầu thị trường về nông sản sạch và các điểm du lịch trải nghiệm hiện rất lớn.

Ông Trần Tường, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Cựu chiến binh Hán Đà (Tuyên Quang) cho biết, việc phát triển vùng trồng chè kết hợp với làm du lịch đòi hỏi HTX phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất. Tuy nhiên, các loại phân bón hữu cơ, phân bón đảm bảo tiêu chuẩn vừa khó mua vừa có giá cao khiến gia tăng chi phí cho thành viên.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc HTX Đặc sản đồng rươi Đông Triều (Quảng Ninh) chia sẻ, sản xuất lúa - rươi chịu rất nhiều biến động của thời tiết. Có những vụ sản lượng lúa thu về rất ít hoặc có thể mất trắng do thiên tai.

Cần sự vào cuộc của doanh nghiệp

Có thể thấy, khi muốn gia tăng tối đa giá trị từ sản xuất nông nghiệp trên cùng một diện tích đồng nghĩa với việc HTX phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, vốn đầu tư...

Ông Nguyễn Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cam Ta (Hà Giang) cho biết, muốn sản xuất tích hợp đa giá trị đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tìm tòi để cho ra những sản phẩm, dịch vụ mới có tính cạnh tranh cao về chất lượng, giá cả, thương hiệu. Đi liền với đó, đơn vị sản xuất phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, máy móc, công nghệ để nâng cao chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Đáp ứng được những điều này đối với doanh nghiệp cũng là khó khăn, chưa nói đến các HTX.

Đặc biệt, vấn đề pháp lý về kết hợp sản xuất nông nghiệp với làm các dịch vụ khác hiện còn nhiều vướng mắc khiến việc đầu tư phát triển tích hợp đa giá trị của HTX khó bứt phá.

Hiện nay, nhiều HTX chưa có đủ điều kiện để có thể thành lập, có riêng một bộ phận về nghiên cứu sản phẩm, thị trường. Do đó, nếu được hợp tác, liên kết với các trường, viện nghiên cứu sẽ phần nào giải quyết được nút thắt này cho HTX.

Theo ông Trần Tường, không chỉ đầu tư máy móc, công nghệ mà những chi phí cho nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ làm sao để phù hợp với thị trường, phù hợp với các tiêu chuẩn ở trong nước và quốc tế cũng không hề nhỏ đối với HTX. HTX Cựu chiến binh Hán Đà cũng có chủ động nghiên cứu thị trường nhưng chưa chắc những tìm tòi, thống kê, nghiên cứu của HTX đã có sự đồng nhất với các nghiên cứu của các nhà khoa học, cơ quan quản lý. Điều này đòi hỏi HTX phải có góc nhìn hoặc phải cân đo đong đếm để có quyết định phù hợp.

Có thể thấy, những hiệu quả mà nông nghiệp tích hợp đa giá trị mang lại là không cần bàn cãi. Hiện, Luật Đất đai 2024 đã cho phép người dân được sử dụng đất nông nghiệp kết hợp trồng lúa và kinh doanh. Điều này được kỳ vọng sẽ "cởi trói" những khó khăn vướng mắc cho nông dân, HTX trong suốt thời gian qua về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng HTX phải có phương án trình cơ quan chức năng tại địa phương để có sự quản lý chặt chẽ trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp kết hợp thương mại dịch vụ.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết Quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Muốn làm được điều này, thay vì chỉ hỗ trợ một nhân tố trong sản xuất cần phải hỗ trợ tất cả các nhân tố trong chuỗi giá trị hàng hóa. Trong đó, HTX là một thành phần kinh tế quan trọng cần được quan tâm để giải quyết những khó khăn trong liên kết sản xuất đa giá trị.

Người dân đã vào HTX và hình thành những liên kết sản xuất nên cần những doanh nghiệp đầu tàu, vượt qua được những rào cản để đồng hành hỗ trợ HTX phát triển nông nghiệp đa giá trị. Thực tiễn đã có những HTX liên kết thành công với doanh nghiệp, nhưng số lượng còn khá khiêm tốn.

Huyền Trang

Tác giả: Khó từ nội tại đến khách quan