Đặc biệt, chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững.
(Toàn cảnh hội trường)
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho biết, trong những năm gần đây, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá, vươn lên.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã được xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiến trình chuyển đổi đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, quá trình chuyển đổi số trong khu vực công cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức về hạ tầng số, đặc biệt ở cấp cơ sở chưa đồng bộ; dữ liệu thiếu kết nối, thiếu chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn nhân lực có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, tâm lý e dè đổi mới ở một số nơi. Cùng với đó, hệ thống thể chế và chính sách pháp luật về chuyển đổi số còn chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ; các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng, định danh điện tử, chia sẻ và kết nối dữ liệu giữa các hệ thống thông tin vẫn chưa đầy đủ và thống nhất…
Do vậy, ông Phạm Mạnh Hùng mong muốn, diễn đàn sẽ là cầu nối để các đại biểu, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, hiến kế, tháo gỡ những “nút thắt” đang cản trở quá trình chuyển đổi số khu vực công, để đưa chuyển đổi số khu vực công tiến gần hơn tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, và từ đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
(Ông Phạm Mạnh Hùng phát biểu)
“Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiều nhóm giải pháp ở các ngành, lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực chuyển đổi số. Đại hội đã xác định, phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng nói.
Tuy nhiên, chuyển đổi số khu vực công không đơn thuần là bài toán công nghệ hay kỹ thuật hạ tầng. Thực chất, đây là vấn đề kinh tế - tổ chức ở cấp quốc gia, liên quan trực tiếp đến hiệu quả phân bổ ngân sách, năng suất vận hành của bộ máy hành chính và đặc biệt là năng lực kiến tạo và điều tiết thị trường của Nhà nước.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số khu vực công sẽ khó tạo ra đột phá thực chất nếu chỉ được nhìn nhận như một nhiệm vụ công nghệ đơn thuần. Thực tiễn trong và ngoài nước đã chứng minh: chỉ khi chuyển đổi số được tích hợp vào quá trình cải cách kinh tế - thể chế, được đo lường bằng hiệu quả phân bổ nguồn lực, năng suất khu vực công và tác động lan tỏa tới thị trường, thì mới có thể phát huy vai trò là một “nền tảng tăng trưởng mới”.
Đây cũng chính là tinh thần cốt lõi mà Nghị quyết 57 đã xác lập - chuyển đổi số không chỉ là mục tiêu, mà còn là phương thức để đổi mới mô hình phát triển quốc gia. Chương trình có sự tham gia của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).