Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức giao các sở, ngành và địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý tăng cường tuyên truyền vận động và xử lý nghiêm các vi phạm nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối.
Trong đó, Ủy ban nhân dân quận 8, Ủy ban nhân dân 2 huyện Bình Chánh, Hóc Môn và TP Thủ Đức tập trung lực lượng để giải quyết dứt điểm tình trạng mua bán tự phát lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường khu vực xung quanh các chợ đầu mối.
Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố phối hợp các địa phương chủ trì tổ chức Đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường khu vực xung quanh các chợ đầu mối.
Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập tổ công tác phối hợp liên ngành, cơ động giải quyết các nội dung liên quan đến chợ tự phát xung quanh các chợ đầu mối của thành phố, trình trước ngày 31/3/2023.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh kiểm tra chợ đầu mối |
Trước đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã có văn bản đề nghị quận 8, Bình Chánh, Hóc Môn và TP Thủ Đức tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng vận chuyển, lên xuống hàng hóa và kinh doanh tại các điểm mua bán tự phát lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, không an toàn thực phẩm. Đồng thời không để xảy ra tình trạng phát sinh mới và tái lấn chiếm để kinh doanh thực phẩm tại khu vực xung quanh các chợ đầu mối nông sản.
Theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, các điểm kinh doanh nông sản tự phát quanh chợ ngày càng nhiều, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các thương nhân trong chợ nhưng chưa được giải quyết triệt để. Những điểm bán này không chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến uy tín của chợ do khách hàng có sự nhầm lẫn giữa hoạt động kinh doanh hợp pháp bên trong và bất hợp pháp ngoài chợ.
Từ đó các chợ đầu mối kiến nghị cơ quan chức năng có những biện pháp nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng trong công tác an toàn thực phẩm. “Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giải quyết triệt để hơn việc kinh doanh không đúng quy định, công bằng”- ông Tiển nêu kiến nghị.
Tại Chợ nông sản Thủ Đức cũng xảy ra tình trạng tương tự, với 34 điểm bán hàng tự phát. Chợ này có quy mô 3 nhà lồng với 1.424 ô vựa. Tuy nhiên, theo đơn vị quản lý, lâu nay một số thương nhân không nhập hàng vào các ô vựa mà nhập về các hộ kinh doanh xung quanh chợ (bên ngoài phạm vi kiểm soát của chợ) để tránh việc kiểm soát của công ty quản lý chợ đối với sơ chế tại nguồn.
Do chợ sát với khu dân cư, có nhiều ngõ ra vào nên việc giám sát không thể đạt hiệu quả cao. Với các trường hợp hàng hóa chưa sơ chế này, ngành chức năng cũng rất khó xử lý vì người bán sẽ chia nhỏ lượng hàng để chuyển vào ô vựa của mình nằm trong chợ. Trong năm 2022, Ban Quản lý chợ đã xử phạt 17 vụ do vi phạm quy định do không ghi sổ nguồn gốc hàng hóa, không cập nhật thông tin niêm yết giá...