Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8%
Thông tin tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 sáng 7/12, đại diện UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, năm kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng và tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trên tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công nghiệp.
Đại diện UBND tỉnh Bình Dương thông tin về tình hình kinh tế -xã hội năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, tại họp báo sáng 7/12/2022 |
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,9% so với năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,8%, tiếp tục là ngành đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh Bình Dương nói chung.
Đáng chú ý, công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nồi lại được các chuỗi cung ứng. Riêng tháng 11 năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,4% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Tháng 11/2022 là tháng gần cuối năm, các doanh nghiệp ngành công nghiệp đang tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng theo kế hoạch. Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều yếu tố bất lợi như: lạm phát, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, nhu cầu thị trường sụt giảm đang tác động mạnh hơn lên cộng đồng doanh nghiệp, từ lĩnh vực sản xuất đến tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn thuộc các ngành giày da, may mặc, sản xuất sản phẩm gỗ, đã điều chỉnh quy mô sản xuất, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật do chưa có nhiều đơn hàng mới.
Trước tình hình trên, tỉnh Bình Dương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối thị trường do Bộ Công thương tổ chức. Qua đó, các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu tiêu dùng ở những thị trường đối tác, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, phát biểu tại họp báo |
Bên cạnh sự tăng trưởng ngành công nghiệp, các lĩnh vực thương mại dịch vụ, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 269 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước. Để đạt được kết quả này, ngành Công Thương đã thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa, không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá; tình hình cung ứng xăng dầu có thời điểm xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ nhưng đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Về xuất nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 61,5 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ USD, tăng 9%. Thặng dư thương mại đạt 10 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài 3,1 tỷ USD và gần 100 ngàn tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Lũy kế đến nay, Binh Dương thu hút gần 40 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước sau TP. Hồ Chí Minh.
Mặc dù, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực kinh tế, quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới làm lạm phát toàn cầu tăng cao, tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia chậm lại, suy giảm nhu cầu tiêu dùng của hầu hết các quốc gia đã tác động đến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh.
Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Bình Dương |
Theo đánh giá của Sở Công Thương Bình Dương, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu ổn định trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại từ quý III, quý IV/2022. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn phải giảm quy mô sản xuất, cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người lao động. Dự kiến tiếp tục gặp khó khăn trong quý I/2023 và thời gian tiếp theo.
Nhìn chung, năm 2022 tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Dương có sự phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý, đà phục hồi tăng trưởng thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó có nhiều khỏi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng của Bình Dương như: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông...
Thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số
Trong bối cảnh năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn, bất lợị, đặc biệt là tình hình thế giới có thể rơi vảo khủng hoảng, giá xăng dầu khó dự báo, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh, chí phí sản xuấtt cao, ảnh hưởng đến giá cả hảng hóa trong nước. Cùng với đó đó các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp sẽ tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Dương.
Trước tình hình đó, tỉnh Bình Dương cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp trọng tám để tập trung lãnh đạo thực hiện trong năm 2023, theo hướng đi vào chiều sâu để phát triển nhanh, toàn điện, bền vững.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh Bình Dương tiếp tục rà soát, thực hiện hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ của năm. Kịp thời nắm tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung huy động các nguồn lực chăm lo tốt các chế độ, chính sách cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhất là cho các công nhân gặp khó khăn, công nhân ở lại Bình Dương đón Tết. Cùng với đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Tầm Dương - Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, năm 2023, tỉnh phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và chú trọng theo chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, tỉnh Bình Dương tập trung thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển kính tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bình Dương tiếp tục xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đồng thời tiếp tục triển khai mở rộng các khu công nghiệp và triển khai đầu tư một số cụm công nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt…
Song song đó, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.