Tiêu điểm

Phát triển hoạt động sáng kiến, sáng tạo: Cần gỡ vướng mắc nào?


Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2023, cả nước đã có 121.613 giải pháp được đề nghị công nhận sáng kiến, 94.174 sáng kiến được công nhận.

121.613 giải pháp được đề nghị công nhận sáng kiến

Ngày 29/3, tại Hà Nội, được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND Thành phố Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2024 và các sự kiện bên lề.

ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Về công tác phát triển hoạt động sáng kiến, sáng tạo, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, công tác quản lý nhà nước ở Trung ương đối với các hoạt động sáng kiến, sáng tạo được thực hiện thông qua việc góp ý kiến, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương; tham gia các lớp tập huấn về sáng kiến do các bộ, ngành, địa phương tổ chức.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức Chương trình Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ 5 vào năm 2024.

Hoạt động thúc đẩy phong trào sáng kiến, sáng tạo được triển khai ở hầu hết các địa phương, chủ yếu dưới hình thức tổ chức các hội thi, trao giải thưởng sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh (thường niên hoặc 2 năm 1 lần).

Trong năm 2023, đã có 28 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, 24 Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng và 15 cuộc thi sáng tạo khác được các địa phương tổ chức với hàng nghìn giải pháp tham dự cùng hàng trăm giải thưởng được trao.

Thông qua các hội thi đã ghi nhận được những thành quả sáng tạo của các tác giả góp phần cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo từ các địa phương năm 2023, cả nước đã có 121.613 giải pháp được đề nghị công nhận sáng kiến, 94.174 sáng kiến được công nhận, trong đó 3.154 sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh, tổng số tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến là gần 200 tỷ đồng, số tiền trả thù lao, trả thưởng cho các tác giả sáng kiến là hơn 6 tỷ đồng và có 2.538 cán bộ được nâng lương trước thời hạn do có sáng kiến được công nhận.

"Có thể thấy, trong thời gian qua, hoạt động sáng kiến trong cả nước đã thành một phong trào rộng khắp, thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ của người lao động Việt Nam" - ông Nguyễn Văn Bảy nói.

Cần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Từ thực tế về quản lý hoạt động sáng kiến tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP và Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN, kết hợp nghiên cứu các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng liên quan đến sáng kiến cho phù hợp với thực tiễn quản lý hoạt động sáng kiến của địa phương.

Phát triển hoạt động sáng kiến, sáng tạo: Cần gỡ vướng mắc nào?

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu thăm quan triển lãm một số thành tựu về sở hữu trí tuệ được giới thiệu tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2024

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung, việc đánh giá các tiêu chí "hiệu quả áp dụng và khả năng nhân rộng" của sáng kiến làm cơ sở xét danh hiệu thi đua, khen thưởng các cấp (theo Luật Thi đua Khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn), sau khi sáng kiến đã được công nhận cũng gặp nhiều khó khăn.

Bởi vì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để đánh giá các tiêu chí trên nên việc đánh giá thường dựa trên ý kiến chủ quan của Bộ phận tham mưu và Hội đồng sáng kiến cấp Thành phố.

Bên cạnh đó, sáng kiến của mỗi ngành, lĩnh vực có đặc thù riêng, khác nhau về "hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng" và với số lượng sáng kiến hàng năm của các cấp cơ sở gửi về Hội đồng sáng kiến cấp Thành phố quá lớn (khoảng 1.000 sáng kiến/năm) thì đòi hỏi bộ phận tham mưu phải có kiến thức, thông tin rất rộng để có thể đánh giá một cách khách quan hay việc tham khảo ý kiến các chuyên gia để có thêm thông tin là khó khả thi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung cũng nêu thực tế, trường hợp sáng kiến được tạo ra do Nhà nước đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất - kỹ thuật, nếu người đứng đầu là tác giả sáng kiến phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (cơ quan, tổ chức của Nhà nước).

"Tuy nhiên, khái niệm “đầu tư kinh phí” hoặc “phương tiện vật chất - kỹ thuật” chưa được giải thích và hướng dẫn cụ thể đối với sáng kiến của cán bộ, công chức thuộc khối cơ quan hành chính" - bà Nhung nói.

Đầu tư kinh phí có thể hiểu là ngoài kinh phí được cấp trực tiếp để tạo ra sáng kiến, còn có thể là từ tiền lương, phụ cấp, bồi dưỡng theo quy định; Đầu tư phương tiện vật chất - kỹ thuật có thể hiểu là sử dụng các thiết bị văn phòng, máy tính, internet có sẵn, điện nước...).

Đồng thời, việc phải có “sự chấp thuận của cơ quan quản lý cấp trên” đối với sáng kiến mà tác giả là người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND quận - huyện, UBND Thành phố cũng gây trở ngại trong quá trình triển khai, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ công tác thi đua, khen thưởng.

Quy định về tính mới “Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện” chưa phù hợp với thực tiễn việc xét công nhận sáng kiến cho tác giả làm việc tại khối cơ quan Nhà nước vì có nhiều giải pháp có sản phẩm là văn bản quy phạm pháp luật (nghị quyết, quy định, quy chế...) phải thực hiện theo trình tự, thủ tục và được cấp có thẩm quyền ban hành mới có thể áp dụng được trên thực tiễn.

Nếu giải pháp được nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến trước khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành thì lại không đáp ứng với điều kiện công nhận sáng kiến “Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở".

Còn nếu tác giả nộp đơn sau khi giải pháp được phê duyệt, ban hành thì lại không thỏa mãn điều kiện “Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện”.

Ngoài ra, quy định về trả thù lao cho tác giả sáng kiến, Điểm a Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 13/2012/NĐ-CP quy định việc chi trả thù lao trả cho tác giả là: “với mức tối thiểu 7% tiền làm lợi thu được do áp dụng sáng kiến của mỗi năm, trường hợp không tính được tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến thì trả với mức tối thiểu 5 lần mức lương tối thiểu chung theo quy định của Nhà nước tại thời điểm trả thù lao”.

Điểm g Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN đề cập đến việc tác giả phải tính số tiền làm lợi (nếu có thể tính được) và nêu cách tính cụ thể trong đơn đề nghị công nhận sáng kiến.

Tuy nhiên, trên thực tế thì tác giả sáng kiến khó chứng minh được vì khó thu thập được thông tin, chứng cứ hoặc có những sáng kiến thuộc khối cơ quan hành chính Nhà nước khó có thể tính được số tiền làm lợi; đồng thời pháp luật cũng không quy định chủ đầu tư hay tác giả thực hiện và cách tính như thế nào dẫn đến việc doanh nghiệp (thuộc Nhà nước) phải áp dụng mức chi trả theo 5 lần mức lương tối thiểu chung.

 

 
Tác giả: Quỳnh Nga
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật