Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá, tại Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã hình thành và phát triển gần 70 năm, có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo số liệu thống kê, hiện có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn, trong đó 9 triệu hộ nông dân có diện tích canh tác bình quân ở mức thấp (Đồng bằng sông Cửu Long 0,71 ha, Đồng bằng sông Hồng 0,22 ha, Duyên hải miền Trung 0,01 ha, bình quân 2,5 thửa ruộng/hộ). Do vốn và tài sản hạn chế, các hộ nông dân, hộ cá thể cần phải liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, HTX để có hiệu quả bền vững.
Hội thảo tập trung đề xuất phương hướng, giải pháp tăng cường hoạt động cấp tín dụng ngân hàng cho các HTX. |
Qua 20 năm (2002-2021) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; bộ phận lớn HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, giảm chi phí sản xuất và ổn định hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, kinh tế tập thể, HTX ở nước ta phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết, như: Tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của HTX còn yếu; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh...
"Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động đã khẳng định, để mô hình HTX hoạt động hiệu quả, nguồn vốn, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng được xem là nhân tố quan trọng. Vì vậy, lãnh đạo NHNN cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể về các cơ chế, chính sách tín dụng hiện hành cho HTX; phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động cấp tín dụng đối với loại hình này, từ đó tìm ra các khoảng trống pháp lý để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho loại hình kinh tế này”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.
Theo ông Tú, cần tìm giải pháp để HTX vay được tiền và ngân hàng cũng mạnh dạn cho vay HTX. Vấn đề này hiện đang tắc ở cả hai phía.
“HTX có đủ điều kiện đi vay, thì điều kiện đi vay của HTX như thế nào, hiện nay Luật ban hành đã đủ chưa? Phát triển mô hình HTX mà không có vai trò bà đỡ, không có nguồn lực hỗ trợ thì làm sao phát triển được, nhất là HTX ở nông thôn không có vốn, chưa kể tài sản, cơ sở vật chất để có HTX hoàn chỉnh vẫn đang thiếu”, ông Tú đặt vấn đề.
Đại diện NHNN cho biết, mô hình HTX của nước ngoài rất đa dạng, chẳng hạn tại Italia, một HTX sản xuất giày da có vốn điều lệ 12 triệu USD, trong đó ngân hàng là một thành viên tham gia HTX – vừa quản lý vốn vay, vừa là động lực để tạo lợi ích, nhưng bản chất là các thành viên và quyền lợi thành viên để khác với công ty cổ phần.
Do đó, ông cho rằng, về phía ngân hàng phải nhìn nhận HTX khác doanh nghiệp, để đưa ra những điều kiện ưu tiên, dành riêng cho mô hình này, còn nếu đặt ra điều kiện giống doanh nghiệp thì HTX thành lập công ty cổ phần. Để làm được điều này cần các văn bản từ NHNN, Chính phủ hoặc cao hơn để khơi thông nguồn lực vào HTX, trong đó có nguồn lực từ ngân hàng.
Bên cạnh đó, Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) kiến nghị, nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn về nghiệp vụ trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động Liên minh HTX cấp tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, điều hành và kỹ năng công nghệ cho bộ máy quản lý, điều hành HTX, người lao động trong khu vực kinh tế tập thể, HTX; đào tạo kiến thức, nghiệp vụ, pháp luật, hướng dẫn thực hiện chế độ thống kê, kế toán, thuế cho cán bộ trong bộ máy quản lý HTX để nâng cao năng lực quản trị điều hành của HTX có hiệu quả, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật.
Đồng thời, xây dựng các chương trình liên kết các mô hình kinh tế hợp tác theo ngành nghề sản xuất kinh doanh, theo vùng miền để tạo động lực phát triển.
Mặt khác, Liên minh HTX Việt Nam tạo điều kiện cho Liên minh HTX cấp tỉnh, thành phố tham gia triển khai các nội dung hỗ trợ hạ tầng thiết bị, công nghệ trong các chương trình, đề án hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị của Liên minh HTX Việt Nam làm cơ sở phổ biến, nhân rộng.
Thanh Hoa