Tiềm năng lớn
Tỉnh Quảng Trị nằm giữa khu vực miền Trung, địa hình theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, là địa phương “gió Lào, cát trắng”. Biến bất lợi thành lợi thế, những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng đến phát triển các ngành năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Đặc biệt, Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã làm rõ nét hơn về hướng phát triển công nghiệp năng lượng của tỉnh trong tương lai. Điều này được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh tiếp tục chọn công nghiệp năng lượng là một trong những lĩnh vực đột phá phát triển với quyết tâm “ Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”.
"Cánh đồng điện gió" tại tỉnh Quảng Trị |
Theo dự báo, tỉnh Quảng Trị có công suất tiềm năng về năng lượng hơn 14.000 MW. Trong đó, tiềm năng lớn nhất, hiện hữu nhất là công nghiệp năng lượng tái tạo điện gió 4.000 MW, điện mặt trời 1.750 MW; và điện khí 6.430 MW (là năng lượng hóa thạch nhưng phát thải carbon chỉ chưa bằng 1/2 so với điện than) năng lượng còn lại là thủy điện, điện than, điện sinh khối, …
Với đặc thù địa hình của tỉnh, khu vực phía Tây của tỉnh là “thủ phủ” của năng lượng tái tạo điện gió, khu vực phía Đông dần hình thành lên những dự án điện khí, điện mặt trời với tổng số lên đến hàng tỷ USD.
Ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW; 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW đã đưa vào vận hành thương mại. Đến nay, tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 965,6MW (chưa bao gồm khoảng 100MW công suất của các hệ thống điện mặt trời mái nhà).
Ông Nguyễn Ngọc Vũ – Đại diện nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 và 2 (thành viên thuộc Tập đoàn BB Group) cho biết, hiện BB Group có 2 nhà máy trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1 là nhà máy công suất 50MW được đóng điện đưa vào hoàn thành vào tháng 12 năm 2020.
“Trong thời gian qua, được sự ủng hộ của các cấp chính quyền, nhà máy được đóng điện đưa vào vận hành đúng tiến độ và đạt được những kết quả khả quan, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương”, ông Vũ nói.
Đường dây truyền tải 500 KV- bảo đảm vận hành hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị |
Ông Nguyễn Đức Chính – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Nên thành lập Hội năng lượng tại Quảng Trị để kết nối các chuyên gia, nhà đầu tư cùng phối hợp, tham mưu cho địa phương cũng như chuyển tải nhanh và khách quan các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để cùng kịp thời tháo gỡ. |
Về điện khí, tháng 1/2022, siêu dự án “Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng” (thuộc địa phần xã Hải An và Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) do Tập đoàn T&T Group làm chủ đầu tư đã chính thức khởi công giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 2,3 tỷ USD. Dự kiến, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 – 2027.
Ngoài ra, có nhiều dự án điện gió, điện mặt trời khác đang hoàn thành và sẽ đi vào hoạt động trong tương lai, cho thấy tính hiện hữu của việc biến tiềm năng thành hiện thực trong ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh.
Tầm nhìn xa
Kiên định định hướng “Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của tỉnh Quảng Trị đặt ra những mục tiêu cụ thể. Phấn đấu đến năm 2025, các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 6.500 MW, đến năm 2030 khoảng 8.000 MW và sau năm 2030 đạt trên 10.000 MW.
Theo ông Nguyễn Đức Chính – Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, mục tiêu “Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030” của tỉnh là hoàn toàn đúng hướng. Để thực hiện mục tiêu này, ông Chính cho rằng tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tối đa trong khâu chuẩn bị đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối, thu hút những “đại bàng” có tài chính mạnh, đủ năng lực chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng để dẫn dắt cũng như tạo sự lan tỏa.
Ông Chính cũng bày tỏ mong muốn trong quy hoạch Điện VIII sẽ tạo điều kiện để cập nhật các đề xuất bổ sung các dự án nguồn của năng lượng tỉnh Quảng Trị về điện gió, điện mặt trời, điện khí; cũng như bổ sung thêm những dự án truyền tải.
“Quan trọng hàng đầu vẫn là sơ đồ Điện VIII, bởi nếu không có quy hoạch thì không được phê duyệt để đưa vào xây dựng thi công, vận hành sản xuất. Cái này là cơ sở pháp lí gốc”, ông Chính nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - ông Võ Văn Hưng, với định hướng chiến lược “biến bất lợi, khó khăn thành tiềm năng, lợi thế”, tỉnh Quảng Trị đã bước đầu thành công biến gió Lào, nắng gắt trở thành điện năng, nguồn năng lượng sạch, tạo nguồn thu hàng tỷ đồng cho ngân sách, cũng như giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội. Hiện tỉnh Quảng Trị đang phấn đấu, tập trung thu hút nguồn lực mạnh mẽ để phấn đấu đạt 8.000 – 10.000 MW/năm vào năm 2030.
Dự án điện mặt trời Gio Thành 1 của BB Group phát huy hiệu quả trên vùng cát Quảng Trị |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, bức tranh năng lượng của tỉnh Quảng Trị đã định hình nhưng còn cần hoàn thiện thông qua việc nỗ lực kêu gọi đầu tư, huy động nhân lực, vật lực và cần có sự đồng hành từ cơ chế, chính sách của Trung ương. “Về phía tỉnh Quảng Trị, chúng tôi luôn sẵng sàng đồng hành, chia sẻ cơ hội cũng như khó khăn, thách thức với các nhà đầu tư, đối tác. Và mong muốn, sẽ có sự chung tay của các nhà đầu tư, đối tác trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Trị thành trung tâm năng lượng như định hướng của Trung ương”, ông Hưng nói.