Do đó, hoạt động này được các bên tăng cường triển khai trong năm 2024 và những năm tiếp theo, trong đó chú trọng đến việc xử lý đến cùng những hành vi vi phạm.
Phát hiện nhiều vi phạm
Trong hai tháng đầu năm 2024, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tiến hành 496 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện không ít vi phạm… Trong đó, Bảo hiểm xã hội thành phố công bố Kết luận số 933/KL-BHXH ngày 5-3-2024, yêu cầu Công ty cổ phần Thương mại và Cơ khí CNC Việt Nam (xã Duyên Thái. huyện Thường Tín) khẩn trương khắc phục vi phạm về đóng, nộp bảo hiểm xã hội, giải quyết chế độ ốm đau, thai sản... Hiện đơn vị này đã nộp số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội hơn 200 triệu đồng.
Tương tự, tại Kết luận số 822/KL-BHXH ngày 26-2-2024 đối với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Sông Đà - UCRIN (phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân), Bảo hiểm xã hội thành phố cũng chỉ rõ vi phạm và yêu cầu đơn vị chuyển ngay hơn 600 triệu đồng về tài khoản thu của cơ quan Bảo hiểm xã hội do không đóng bảo hiểm xã hội trong một số tháng…
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, hai tháng đầu năm nay, sau thanh tra, các cơ quan chức năng thành phố đã thu hồi số tiền gần 40 tỷ đồng do chậm thực hiện các chính sách liên quan. Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết: "Hiệu quả thanh tra, kiểm tra được nhận diện rõ hơn thông qua việc nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội của đại đa số người lao động, người sử dụng lao động; giảm dần tỷ lệ chậm đóng, nợ đóng".
Chú trọng nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra
Theo Vụ Pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), quy định xử lý vi phạm lĩnh vực bảo hiểm xã hội hiện thiếu rõ ràng, cụ thể, khiến một số doanh nghiệp cố tình "lách luật". Ví dụ, các chế độ hỗ trợ (xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở...) không có mức trần, nên một số đơn vị chia nhỏ quỹ lương, đẩy thu nhập của người lao động vào các khoản hỗ trợ, nhằm giảm số tiền làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng, gây thiệt thòi cho nhiều bên. Tuy nhiên, khi phát hiện, cơ quan Bảo hiểm xã hội không có đủ căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị khởi tố...
Chủ động khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chú trọng xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp. Lực lượng này hiện có gần 600 người, hoạt động thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Theo đó, năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến hành thanh tra, kiểm tra về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại nhiều địa phương. Ngoài ra, 63/63 tỉnh, thành phố cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra tại những đơn vị có dấu hiệu vi phạm. Trong quá trình này, ngành Bảo hiểm xã hội sử dụng bộ tiêu chí nhận diện điện tử, gồm 121 dấu hiệu, qua đó đối chiếu, sàng lọc, phát hiện những chi tiết, số liệu có tính chất bất thường...
Ở cơ sở, trước khi công bố quyết định thanh tra, các địa phương quan tâm đôn đốc, nhắc nhở người sử dụng lao động thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội với tinh thần lắng nghe và thấu hiểu. "Mọi hoạt động đều vì mục tiêu đưa chính sách đến đúng người, đối tượng thụ hưởng, ngăn trục lợi, giảm hành vi sai trái. Vì thế, chúng tôi kết hợp linh hoạt giữa lý và tình để việc thanh tra diễn ra thuận lợi, hiệu quả", Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Hoàng Mai Trần Việt Trang cho hay.
Về lâu dài, các cơ quan chức năng gỡ vướng bằng cách đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến xử lý hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội sao cho thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, làm căn cứ cho các bên liên quan triển khai. Đó cũng là giải pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động; bảo đảm sự phát triển an toàn, ổn định của các nguồn quỹ an sinh.