Tiêu điểm

Ý kiến về phương án chỉ được rút 8% BHXH một lần


Khó khăn lắm thì người lao động mới rút BHXH một lần, bởi ai cũng mong muốn có lương hưu lúc về già

Trong dự thảo đề cương sửa Luật BHXH lần này, cơ quan soạn thảo đưa ra phương án người lao động (NLĐ) chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ. Phương án này đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận với đa số đề nghị ban soạn thảo nên cân nhắc.

Ai cũng mong có lương hưu

Theo quy định, NLĐ đang đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ phần lương hằng tháng, NSDLĐ đóng 14% vào quỹ này, như vậy tổng mức đóng là 22%.

Lý giải cho đề xuất chỉ cho NLĐ rút 8% BHXH một lần, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đây là thông lệ quốc tế vì bảo hiểm các nước không cho phép rút BHXH một lần nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, phần NSDLĐ đóng vào quỹ được kết cấu vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Do vậy, khi được xã hội tiêu thụ sản phẩm dịch vụ đó nghĩa là xã hội đóng phần này và NSDLĐ chỉ là người đóng thay. Như vậy, phần NSDLĐ đóng thay sẽ tạm giữ lại đến khi NLĐ hết tuổi lao động thì sẽ được hưởng.

Phản bác lại đề xuất này, ông Mai Thanh Tuyền, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) - nơi có hơn 8.000 công nhân (CN), cho rằng hoàn toàn không phù hợp, vì tiền nào cũng là tiền của NLĐ. Tuổi nghỉ hưu được hưởng BHXH hiện nay quá cao, năm đóng BHXH thì dài. NLĐ vì khó khăn họ nên mới rút một lần.

Theo ông Tuyền, nhu cầu cần tiền để giải quyết khó khăn trước mắt là nhu cầu có thật của NLĐ, vậy nên cứ giữ nguyên quy định hiện hành nhằm bảo đảm quyền lợi của họ. Thay vì giữ lại 14% của NSDLĐ, BHXH có thể cho NLĐ được vay một khoản tiền trong giai đoạn khó khăn với lãi suất thấp từ chính khoản đóng góp của mình vào BHXH. "BHXH có nguồn lực mạnh trong khi nhu cầu của NLĐ cũng rất lớn, nếu kết hợp 2 vấn đề đó lại với nhau thì sẽ rất hợp lý, vừa hạn chế rút BHXH một lần, lại giúp NLĐ tránh xa tín dụng đen" - ông Tuyền đề xuất.

Ý kiến về phương án chỉ được rút 8% BHXH một lần - Ảnh 1.

Cán bộ BHXH quận Tân Bình, TP.HCM giải đáp thắc mắc về chính sách BHXH cho người lao động. Ảnh: MAI CHI

Chị Nguyễn Thị Nhiên, CN làm việc trong KCN Sóng Thần 1 (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cho rằng đề xuất này quá vô lý, vì khoản 14% này là số tiền doanh nghiệp (DN) đóng cho NLĐ, được thể hiện rõ trong bảng lương. Nếu DN không đóng BHXH thì NLĐ đã được hưởng số tiền này.

"Tại sao BHXH lại giữ khoản tiền này, trong khi đây là tiền của NLĐ? Phải chăng đây là cách để cơ quan BHXH hạn chế NLĐ rút BHXH một lần" - chị Nhiên bức xúc. Theo chị Nhiên, bất khả kháng lắm thì NLĐ mới phải rút BHXH một lần, vì ai cũng mong có lương hưu lúc về già, đỡ gánh nặng cho con cháu.

Phải thấu tình, đạt lý

Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một công ty có hơn 400 lao động tại KCN Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng không đồng tình với đề xuất chỉ cho NLĐ rút 8% BHXH một lần. "14% là khoản tiền DN trích nộp cho NLĐ và cơ quan BHXH chỉ là đơn vị giữ giùm. Nếu giữ lại khoản này thì cơ quan quản lý quỹ phải giải thích rõ ràng, bởi suy cho cùng đó là tiền của NLĐ" - vị giám đốc này nói.

Cùng góc nhìn, trưởng phòng nhân sự một DN có hơn 4.000 lao động tại huyện Củ Chi, TP.HCM chia sẻ: "Phần của NSDLĐ đóng (14%), bản chất cũng là do NLĐ đóng, nếu DN không đóng phần này thì sẽ chuyển thành tiền lương cho NLĐ. Chính sách BHXH là bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ, nên mọi quyết sách phải hợp lý và tránh gây "sốc" cho NLĐ.

Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (TP.HCM), Luật BHXH 2014 cho phép NLĐ được rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc theo những trường hợp cụ thể tại điều 60 và điều 77. Như vậy đây là quyền của NLĐ. NLĐ nghỉ việc do gặp khó khăn, bệnh tật hoặc phải ra nước ngoài sinh sống thì nhu cầu rút BHXH một lần là hoàn toàn chính đáng, cần giải quyết ngay cho NLĐ. "Nếu chỉ cho NLĐ rút 8% BHXH một lần thì sẽ không thể giải quyết được khó khăn mà còn vi phạm quyền lợi của họ khi đã đóng góp cho BHXH" - luật sư Lễ nói.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng không NLĐ nào muốn rút BHXH một lần nếu không vì cuộc sống khó khăn. Do vậy khi đề xuất phương án trên, ban soạn thảo phải cân nhắc kỹ, thấu tình đạt lý. Trước mắt, cơ quan BHXH nên quản lý tốt việc đóng BHXH của các DN, vì hiện nay rất nhiều DN không đóng BHXH cho NLĐ, dù hằng tháng đều trừ lương của họ.

Sẽ đánh giá kỹ tác động

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đang nghiên cứu thêm các phương án khác và khẳng định sẽ có đánh giá tác động rất kỹ; xin ý kiến theo đúng quy trình xây dựng các dự thảo luật, sửa đổi, bổ sung. "Việc sửa đổi luật sẽ bảo đảm hài hòa giữa đặt mục tiêu an sinh xã hội lâu dài với nhu cầu rút BHXH một lần trước mắt khi NLĐ gặp khó khăn về tài chính cá nhân" - ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết.

Sẽ đánh giá kỹ tác động

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đang nghiên cứu thêm các phương án khác và khẳng định sẽ có đánh giá tác động rất kỹ; xin ý kiến theo đúng quy trình xây dựng các dự thảo luật, sửa đổi, bổ sung. "Việc sửa đổi luật sẽ bảo đảm hài hòa giữa đặt mục tiêu an sinh xã hội lâu dài với nhu cầu rút BHXH một lần trước mắt khi NLĐ gặp khó khăn về tài chính cá nhân" - ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết.

Tác giả: NPV
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật