Trước việc dịch cúm H5N1 đang bùng phát tại Campuchia, những ngày gần đây, một số địa phương ở phía Nam như Tp.HCM, Đồng Tháp, An Giang… đã có chỉ đạo khẩn, triển khai nhiều giải pháp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm.
Lo từ dịch cúm đến giá thức ăn
Về phía Bộ NN&PTNT, trong hạ tuần tháng 2/2023 đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố để tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Trong công văn này có nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.
Ngành chăn nuôi gia cầm phải khắc phục mặt hạn chế ở khâu liên kết chuỗi. |
Theo số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, từ năm 2022 đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm đã cơ bản được kiểm soát tốt (cụ thể, cả nước có trên 25 ổ dịch cúm gia cầm do vi rút A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 100 nghìn con gia cầm).
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp chăn nuôi, một số cơ quan truyền thông và kiểm tra thực tế tại một số địa phương cho thấy, tình hình dịch bệnh thực tế còn diễn biến phức tạp.
Ts. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết, năm 2022, dịch bệnh vẫn là mối đe dọa thường xuyên, trong đó có dịch cúm gia cầm với nhiều chủng mới xuất hiện ngày càng nhanh, khiến công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Ngoài vấn đề dịch bệnh, giới phân tích cho rằng một thách thức lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm trong năm nay là giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN), thuốc thú y vẫn còn neo giữ ở mức cao, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi liên tục biến động theo chiều hướng giảm.
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam dự báo, nhu cầu nguyên liệu TĂCN của Việt Nam sẽ đạt khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm. Trong đó, hơn nửa sản lượng nguyên liệu TĂCN (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá...) của toàn ngành chăn nuôi Việt Nam cần khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu phục vụ chăn nuôi heo và gia cầm. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ cung cấp được khoảng 10 - 11 triệu tấn, chiếm phần nhỏ với khoảng 35% tổng nhu cầu. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một con số rất lớn, khoảng 20 - 22 triệu tấn nguyên liệu TĂCN.
Khó tìm “lời giải”?
Trong khi đó, giá TĂCN thế giới còn diễn biến phức tạp do căng thẳng giữa Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Vì Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu nên giá nguyên liệu TĂCN trong năm nay tiếp tục bị ảnh hưởng. Phần lớn các chuyên gia đều dự báo thị trường nguyên liệu TĂCN trong năm 2023 sẽ không cải thiện quá nhiều, tức là sẽ vẫn neo giữ ở mức giá cao.
Ở góc độ của một chủ trang trại chăn nuôi gà ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), ông Nguyễn Xuân Trường cho biết với tình hình giá TĂCN sau Tết Nguyên đán 2023 vẫn còn ở mức cao như hiện nay thì nguy cơ thua lỗ của các trang trại nuôi gà là rất lớn. Bởi vì giá thành chăn nuôi thì cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi liên tục biến động theo chiều hướng giảm.
Theo ông Trường, giá gà sau Tết Nguyên đán đến nay không có nhiều biến động và vẫn ở mức khá thấp, chưa có dấu hiệu hồi phục. Đa số các sản phẩm chăn nuôi gia cầm đang bán dưới giá thành sản xuất. Còn theo nhiều thương lái, do đã hết lễ hội, tiệc liên hoan giảm dần, sức tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn cũng giảm, sức mua ngoài chợ và siêu thị cũng giảm, trong khi nguồn cung vẫn ở mức cao nên giá gà giảm là khó tránh khỏi.
Trước bối cảnh giá đầu ra chưa khả quan thì nguồn cung thịt gà tiếp tục tăng cao khi các doanh nghiệp chăn nuôi ngày càng đẩy mạnh quy mô. Chưa kể, thị trường nội địa hiện còn có thêm các sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu.
Như số liệu hồi năm ngoái cho thấy, trong khi nguồn cung trong nước dồi dào (tổng lượng thịt cả nước sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn và 17 tỷ quả trứng gia cầm/năm), thế nhưng Việt Nam vẫn chi tới 3 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Hơn nữa, trong nội tại ngành gia cầm cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa cùng với các trang trại chăn nuôi độc lập, khiến “miếng bánh” thị phần trong nước đang bị thu hẹp dần đối với người nông dân và các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước.
Điều đáng nói, mối liên kết trong ngành chăn nuôi gia cầm nội địa vẫn còn khá hạn chế. Đơn cử như chuỗi sản xuất - tiêu thụ thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam Bộ: hình thức không liên kết (thịt gia cầm 86%, trứng gia cầm 74%); có liên kết (thịt gia cầm 12%, trứng gia cầm 22%; hợp nhất (thịt gia cầm 2%, trứng gia cầm 4%).
Có thể nói, từ mối đe dọa của dịch cúm H5N1 cho đến những thách thức nêu trên, việc tìm “lời giải” cho ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam “sống khỏe” là không hề đơn giản.
Trước những khó khăn như vậy, điều quan trọng là ngành chăn nuôi gia cầm cần phải tìm “cơ trong nguy”, chủ động tìm kiếm các cơ hội trước nhiều thách thức nội tại.
Đặc biệt là cần khơi thông xuất khẩu sản phẩm gia cầm chính ngạch. Hơn nữa, để cạnh tranh với sản phẩm thịt gia cầm ngoại, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước phải khắc phục mặt hạn chế ở khâu liên kết chuỗi để trước tiên là trụ vững trên “sân nhà” rồi mới nhắm đến đẩy mạnh xuất khẩu.
Thế Vinh