Tiêu điểm

Nuôi bò sinh sản, hướng đi bền vững để thoát nghèo


Nuôi bò sinh sản là mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng không phải hộ dân nào cũng có điều kiện đầu tư mua con giống về nuôi. Do vậy, việc thành lập và hoạt động có hiệu quả của các HTX chăn nuôi bò sinh sản là tín hiệu tích cực cho mục tiêu phát triển loại hình HTX, vừa tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên, vừa mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình cho biết, nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển chăn nuôi bò, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, cố gắng vươn lên ổn định cuộc sống, đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, các HTX đã áp dụng khoa học - kỹ thuật mới trong chăn nuôi. Từ đó, mang lại hiệu quả cao, đàn bò phát triển nhanh, không xảy ra dịch bệnh, tiết kiệm được công lao động, hướng tới trở thành sản phẩm hàng hóa, tạo sức lan tỏa trong phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo.

“Đòn bẩy” quan trọng trong công tác giảm nghèo

Tại huyện vùng cao Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Đó không chỉ là các hộ tăng gia sản xuất giỏi, mà còn có các HTX vừa làm tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, vừa hoàn thành tốt trách nhiệm với cộng đồng.

-8819-1668476821.jpg

Các HTX vừa làm tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, vừa góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Được thành lập vào tháng 10/2019, HTX nông nghiệp Thanh Phong, xã Bảo Hà được lãnh đạo huyện định hướng đây sẽ trở thành đơn vị chăn nuôi bò sinh sản - giống bò vàng vùng cao mà trước đó được bà con nuôi theo hình thức nhốt chuồng.

"Mục tiêu là xây dựng một trang trại bò giống năng suất cao, hiệu quả, đưa HTX từng bước đi lên, cũng như khẳng định thương hiệu, vị thế trong huyện Bảo Yên và các huyện lân cận", ông Phạm Thanh Xuân, Chủ tịch HĐQT HTX Thanh Phong chia sẻ.

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí còn khó khăn, nhưng trước sự kỳ vọng và tin tưởng của chính quyền địa phương, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, đầu tư trang thiết bị và mua bò giống khoảng 7 tỷ đồng.

Sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, nhìn thấy hiệu quả từ mô hình này, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã xin tham gia vào HTX. Hiện, HTX đã có 23 thành viên, gồm nhiều dân tộc khác nhau như Mông, Tày, Mường, Dao...

Anh Giàng A Chung, thành viên HTX nông nghiệp Thanh Phong cho biết, từ khi tham gia HTX, gia đình anh nuôi 10 con bò sinh sản. Công việc hàng ngày của anh tại HTX là buổi sáng tiến hành vệ sinh chuồng trại và cho bò ăn, buổi chiều đi cắt cỏ chuẩn bị cho bữa tối và sáng hôm sau cho đàn bò.

Ngoài thức ăn là cỏ tươi, anh Chung cùng các thành viên trong HTX thường trộn men vi sinh cùng với cỏ tươi, sau đó ủ chua để làm thức ăn cho đàn bò.

Với phương pháp này, anh Chung cùng các thành viên trong HTX đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí, trong khi đàn bò được tăng cường sức đề kháng, khỏe mạnh và hạn chế được dịch bệnh.

Điều đặc biệt tại trang trại nuôi bò sinh sản của HTX nông nghiệp Thanh Phong là bò của các gia đình thành viên của HTX đều nuôi chung tại một khu chuồng trại. Đây sẽ là động lực rất lớn cho các thành viên trong HTX cùng nhau phát triển kinh tế.

"Các thành viên từ khi tham gia vào HTX đã có thu nhập ổn định, bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng. So với chăn nuôi lợn, gà... chăn nuôi bò sinh sản có thu nhập ổn định, ít bị thua lỗ. Đời sống bà con đồng bào dân tộc tham gia HTX được cải thiện rất nhiều", ông Xuân nói.

Đầu từ nhỏ, lợi ích lớn

Đặc biệt, nhờ nuôi bò sinh sản, đời sống hộ thành viên đều ở mức trung bình khá trở lên. Các hộ dân đều có nhận thức tốt về việc chủ động nguồn thức ăn dự trữ, thực hiện chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò để việc chăn nuôi duy trì bền vững, đạt hiệu quả cao.

-6105-1668476821.jpg

HTX đã góp phần giúp các hộ nghèo vượt khó khăn, tạo điều kiện sản xuất, tăng thu nhập và từng bước thoát nghèo.

Có thể nói, các HTX đã có nhiều cách làm mới, phù hợp đầu tư phát triển kinh tế nông thôn, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Tại xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai việc thành lập và duy trì hiệu quả trang trại chăn nuôi bò của HTX nông lâm nghiệp Bình Minh đã giúp nông dân tiếp cận với mô hình mới, từng bước thay đổi nhận thức, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa. Đây cũng là tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện mục tiêu chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả, dịch vụ nông lâm nghiệp, HTX nông lâm nghiệp Bình Minh bắt tay xây dựng thêm trang trại chăn nuôi bò sinh sản.

Trên diện tích 6 ha, HTX đã đầu tư chuồng nuôi, bể nước, sân chơi…và 4 ha trồng cỏ. Nhờ vậy, doanh thu của HTX đã được cải thiện đáng kể, tăng từ khoảng 3 - 4 tỷ đồng lên 12,6 tỷ đồng vào cuối năm 2021. HTX đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 15 lao động địa phương.

Thành công bước đầu này phần nào giúp các thành viên HTX yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, khi số vốn HTX bỏ ra để mua bò giống, đầu tư làm chuồng trại, mua máy móc thiết bị chế biến thức ăn cho bò khá lớn. 

"HTX chúng tôi đã xây dựng trang trại để nuôi bò sinh sản với quy mô hơn 150 con. Tôi thấy hiệu quả kinh tế thu lại rất tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng thêm nguồn thu nhập cho các thành viên", bà Nguyễn Thị Thiêu, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Minh cho biết.

Gia đình anh Giàng Văn Minh, là một trong nhiều hộ gia đình tại xã Võ lao đã vươn lên thoát nghèo từ phát triển bò sinh sản của HTX. Trước đây, cuộc sống gia đình anh với 5 nhân khẩu, chủ yếu trông chờ vào việc làm nương rẫy, kinh tế gặp nhiều khó khăn, suốt nhiều năm từ 2010 gia đình anh Minh là hộ nghèo.

Năm 2019 gia đình anh Giàng A Minh được HTX hỗ trợ một con bò sinh sản. Cùng với ý chí thoát nghèo, gia đình anh dốc sức chăm sóc con bò này để sớm sinh sản ra những con bò khác.

Anh Giàng A Minh chia sẻ, nhờ chăm nuôi tốt, từ một con bò mẹ đến nay đã đẻ ra hai bò con, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện. Đầu năm 2021, gia đình anh đã thoát nghèo. Hiện nay, cùng với làm nương rẫy, chăn nuôi bò, gia đình anh còn trồng các loại cây ăn quả, cây hoa màu khác để nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Đầu năm 2022, gia đình anh đã sửa sang lại ngôi nhà lớn, xây thêm nhà bếp khang trang hơn.

“Từ các mô hình nuôi bò và tặng bò sinh sản của các HTX cho các hộ nghèo trên địa bàn, đã góp phần giúp các hộ nghèo vượt khó khăn, tạo điều kiện sản xuất, tăng thu nhập và từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Đồng thời, hoạt động này thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng và góp phần đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tại địa phương", Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình nói.

Đoàn Huyền

Tác giả: “Đòn bẩy” quan trọng trong công tác giảm nghèo
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật