Tiêu điểm

Nông dân liên kết ứng dụng công nghệ cao để làm giàu


Việc các HTX phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ vào sản xuất, liên kết theo chuỗi đang giúp thành viên, người lao động nâng cao giá trị, mang lại những lợi ích tích cực về cả kinh tế và môi trường sinh thái.

Theo thống kê, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) hiện có 10ha sản xuất nông nghiệp thông minh, 1,5ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 9.709ha ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính, tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, trồng thủy canh, công nghệ bón phân, phun thuốc bằng máy bay, điều khiển nhiệt độ từ xa).

Hiệu quả ứng dụng công nghệ

Trong quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, khu vực kinh tế HTX đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt thành viên nâng cao hiệu quả, tạo ra sản phẩm sạch, điển hình như: HTX Nông nghiệp Tiến Huy, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, HTX Hương sắc Đà Lạt...

Điển hình, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú (xã Hiệp An) được thành lập vào năm 2004. Nhằm đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên và hộ liên kết, HTX đã tiến hành sắp xếp nhân sự, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại vào sản xuất, thuê chuyên gia Israel tư vấn để cải tiến kỹ thuật sản xuất rau, củ, quả theo hướng công nghệ cao…

-7949-1669108879.jpg

Ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa giúp nông dân giảm nghèo, làm giàu bền vững. 

Giám đốc HTX Lê Văn Ba cho biết, nhờ hiệu quả công nghệ cao, năng suất, chất lượng các mặt hàng rau, củ, quả của HTX sản xuất ra ngày càng được cải thiện, đa dạng các chủng loại, hình thành liên kết với các công ty, siêu thị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp cuộc sống xanh T&T để trở thành nhà cung cấp chiến lược. Việc liên kết góp phần tăng số lượng thành viên của HTX lên 17 thành viên và 2 đơn vị liên doanh, nâng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lên 37ha. Sản lượng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra thị trường, cụ thể là mặt hàng rau, củ, quả từ 1.000 tấn/năm tăng lên đến 5.000 tấn/năm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ở nhiều địa phương, các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua Facebook, Zalo và đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử... Đây là tín hiệu vui thể hiện sự bắt nhịp thị trường của các HTX trong thời đại 4.0.

Đơn cử, ở huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), toàn huyện chủ yếu là người dân tộc Nùng (chiếm 57,94% dân số), ngoài ra còn có các dân tộc Tày, Dao, Hoa… các dân tộc sinh sống đoàn kết, cùng nhau sản xuất xây dựng thương hiệu các sản phẩm từ nông nghiệp mà ở đây chính là HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát, xã Gia Cát.

Nâng cao đời sống cho người dân

Trong những năm qua, HTX Gia Cát luôn tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rau VietGAP nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giúp giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX Gia Cát đã tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp các loại rau quả, bảo đảm an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh, HTX còn mở rộng kinh doanh thông qua thị trường công nghệ, mạng xã hội. Nhờ đó, khách hàng có thể nắm được các sản phẩm hiện có tại HTX.

Bà Nguyễn Thị Nhình, thành viên HTX cho biết: "Gia đình tôi tham gia vào HTX từ năm 2017. Đến nay, các sản phẩm chính của chúng tôi như dưa chuột, cà chua, măng tây… đang rất được thị trường ưa chuộng".

Theo bà Nhình, lợi ích lớn nhất khi tham gia vào HTX là sự đồng hành của HTX từ các dịch vụ đầu vào đến kết nối thị trường tiêu thụ. Với năng suất ổn định, giá bán cao, bình quân mỗi ha rau công nghệ cao, có thể thu về 90 - 100 triệu đồng mỗi vụ, đã giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tương tự, vượt qua nhiều khó khăn, huyện Mộc Châu (Sơn La) đang đạt được những thành công bước đầu trong giảm nghèo bền vững thông qua nâng cao thu nhập cho người dân. Những mô hình sản xuất hàng hóa, ứng dụng một phần công nghệ cao với sự dẫn dắt của các HTX đang là điểm nhấn.

Như HTX Nông Xanh (Thị trấn Nông trường Mộc Châu), tuy thành lập chưa lâu nhưng đã chú trọng liên kết với doanh nghiệp để thực hiện mô hình chuỗi cung ứng lạnh trong sản xuất rau an toàn.

Anh Nguyễn Văn Hạnh, đang là thành viên HTX rau an toàn Tự Nhiên (xã Đông Sang) chia sẻ, gia đình anh có 6.000 m² đất trước đây trồng ngô cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm.

Từ ngày tham gia HTX, chuyển sang trồng rau sạch theo quy trình VietGAP, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu khoảng 10 tấn su hào, 40 tấn bắp cải, 5 tấn cà chua... Sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Đời sống gia đình cũng ổn định hơn mà không phải đi làm ăn xa.

Có thể nhận thấy, vai trò của công nghệ cao và thương mại điện tử trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sẽ giúp người dân và các HTX giới thiệu và kết nối sản phẩm tới khách hàng một cách tiện lợi, dễ dàng.

Theo đó, thời gian tới các địa phương cần chú trọng hơn trong việc hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân.

Tác giả: Lê Trì
Bài viết liên quan