Tiêu điểm

Vì sao doanh nghiệp du lịch vẫn than khó tiếp cận dòng vốn vay?


“Trật nhịp” trong giải ngân, hết room tín dụng, vay không được, hoặc vay lãi suất cao, điều kiện ràng buộc quá khó khăn, khó tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%... vẫn tiếp tục là mối băn khoăn của các doanh nghiệp du lịch. Điều đó là một cản trở lớn với doanh nghiệp trong việc phục hồi và mở rộng hoạt động kinh doanh, thậm chí dẫn đến chuyện đi "vay nóng" bên ngoài hoặc thậm chí phải phá sản.

Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho rằng trong 2 năm qua, nếu không nhờ dòng vốn vay của ngân hàng thì có lẽ công ty đã "chết" từ lâu! 

Chậm giải ngân, điều kiện ràng buộc quá khó

“Tuy nhiên, phía công ty phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục vay vốn, kể cả các phương án sử dụng vốn, chứng minh dòng tiền sẽ đi đâu, các báo cáo tài chính phải rõ ràng, tương ứng với các tài sản đang có, khả năng trả nợ như thế nào…”, ông Duy nhấn mạnh.

-8828-1660817314.jpg

Khó tiếp cận vốn vay khiến cho việc phục hồi của các công ty lữ hành sẽ trở nên khó khăn hơn.

Như lưu ý của vị giám đốc này, mọi việc đang rất tốt, nhưng đến hết tháng 6/2022 (đúng vào lúc cao điểm của ngành du lịch) lại thấy có sự “trật nhịp” trong việc giải ngân dòng vốn vay từ phía ngân hàng, nhất là khi phía công ty vẫn giữ uy tín với ngân hàng và có “room” tín dụng tốt đủ đáp ứng cho việc phục hồi và tăng doanh thu. 

Theo đó, ngân hàng vẫn giải ngân, nhưng thời gian giải ngân kéo dài ra, làm cho doanh nghiệp (DN) phải tìm cách thích ứng mới như phải tăng dự trữ tiền mặt nhiều hơn, làm cho chi phí vốn tăng lên.

“Nếu phía ngân hàng có thể giải quyết được thủ tục này, làm ngắn lại thời gian giải ngân đối với các DN đã đáp ứng được điều kiện giải ngân thì đó cũng là một sự hỗ trợ rất tốt, chứ không thể khiến cho DN phải phát sinh chi phí để ứng phó tình huống bất lợi như vậy”, ông Duy bộc bạch.

Cũng theo Giám đốc Du lịch Lửa Việt, nếu như các ngân hàng có thể tiến tới thực hiện việc giải ngân trực tuyến (online) sẽ là điều rất tốt dành cho những công ty đã chứng minh được năng lực hoạt động, năng lực trả nợ. 

Bởi lẽ, việc chuyển sang hình thức giải ngân online sẽ giúp giảm dần thời gian chuẩn bị thủ tục, giấy tờ vốn tương đối lâu như hiện tại. Đặc biệt là khi hoạt động kinh doanh trên thế giới đang diễn ra rất nhanh, thậm chí còn được tính bằng khoảnh khắc. Vì thế, nếu ngân hàng triển khai được việc giải ngân online sẽ góp phần thúc đẩy cho sự phục hồi thật sự của các DN trong ngành du lịch.

Còn theo phản ánh của ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty TNHH ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam, thời gian gần đây, công ty có tìm đến ngân hàng để xin vay vốn đầu tư mới xe buýt mui trần (phục vụ cho các tour du lịch vòng quanh thành phố), thế nhưng có ngân hàng thông báo là hết room tín dụng, vay không được, có ngân hàng cho vay nhưng lãi suất cao, điều kiện ràng buộc quá khó khăn.

Theo ông Luân, qua 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các DN du lịch gần như tê liệt, khó đáp ứng điều kiện để hưởng chính sách vay ưu đãi. Chẳng hạn muốn vay phải kèm điều kiện trong 2 năm báo cáo tài chính có lãi, làm sao DN có thể đáp ứng?

Cản trở phục hồi, khó tránh phá sản

“Ngay cả việc hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cũng rất nhiều ràng buộc. Cho nên, điều mong mỏi là chính sách vay vốn vẫn cần thông thoáng hơn nhằm giúp các DN du lịch đảm bảo được hoạt động. Bởi, đã 2 năm trôi qua, họ gặp nhiều khó khăn và phải rất “cân não” tính toán từng đồng vốn sao cho hiệu quả”, ông Luân nói.

Chia sẻ tại hội thảo bàn về việc khơi thông dòng vốn vay giữa các ngân hàng và DN du lịch tổ chức ở Tp.HCM ngày 18/8, vị giám đốc của Công ty ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam ví von dòng vốn của DN giống như mạch máu của cơ thể. Và nếu mạch máu bị gián đoạn, cơ thể sẽ chết. Cho nên đối với các DN du lịch đang trong quá trình phục hồi, dòng vốn là đòn bẩy tài chính rất quan trọng và DN vẫn đang trông mong tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi suất 2%.

Trong vấn đề bất cập dòng vốn vay như phản ánh của ông Duy hay ông Luân, có thể thấy đó sẽ là một cản trở lớn cho các DN này trong việc phục hồi, phục vụ du khách và mở rộng hoạt động kinh doanh du lịch. 

Chẳng hạn như với mô hình xe buýt đỏ 2 tầng mui trần của công ty ông Luân để phục vụ du khách tại các thành phố du lịch được cho là đang hoạt động khá hiệu quả ở Tp.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, do gặp khó về vốn vay nên kế hoạch của DN này là phát triển mô hình đến Đà Nẵng, Nha Trang và Đà Lạt vẫn còn lỡ dở vì không có vốn để đầu tư cho phương tiện vận chuyển, hạ tầng điểm dừng, nhà chờ, các quầy thông tin du lịch…

Trao đổi với VnBusiness, ông Phan Nguyễn Quyền, Giám đốc điều hành Công ty Lasenta (hoạt động trong mảng dịch vụ du lịch chăm sóc sức khoẻ), cho rằng với những DN du lịch làm thật, người thật, việc thật và làm ăn chân chính là một trong những yếu tố để các tổ chức tín dụng quyết định cho DN đó tiếp cận nguồn vốn vay có tài sản đảm bảo hoặc là tín chấp trong bối cảnh các DN đang "khát vốn".

Bên cạnh đó, trước việc các DN du lịch phản ánh khó tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, theo ông Quyền, thực ra nếu vay với số vốn ít ỏi thì thì việc hưởng lãi suất này là không đáng kể so với chi phí cơ hội và chi phí khác lại lớn hơn nhiều. Còn khi DN vay với số tiền từ hàng chục tỷ đồng trở lên thì việc được giảm 2% lãi suất có thể làm cho họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn trước áp lực về chi phí vay.

Mặt khác, quanh việc khó tiếp cận các gói vay vốn ưu đãi, vị giám đốc này cũng bày tỏ băn khoăn khi mà "các DN du lịch trong 2 năm chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19 hầu như không có dòng tiền chạy qua. Bởi vì không có nguồn thu nên dòng tiền của công ty không chạy vào, từ đó dù có tài sản đảm bảo, nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn vay". Điều này khiến cho DN lao đao, đành phải đi "vay nóng" ở bên ngoài, hoặc không ít DN thậm chí phải phá sản!

Thế Vinh

Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Bài viết liên quan