Nhiều điểm nghẽn của Bình Dương
Những năm qua, tỉnh Bình Dương có nhiều thành tựu, những thành công này này không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh mà còn tạo động lực quan trọng cho sự phát triển chung của cả vùng Đông Nam Bộ và đất nước.
Tuy nhiên, theo ThS. Đào Duy Tùng - Học viện Chính trị Khu vực II (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trước bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, những yêu cầu mới của kỷ nguyên công nghệ và đổi mới sáng tạo, tỉnh Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức, điểm nghẽn mang tính chiến lược.
Bình Dương, với vị trí địa lý chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng, đã nổi lên như một trong những trung tâm công nghiệp và đô thị năng động hàng đầu cả nước - (Ảnh: CTV). |
Thứ nhất, Bình Dương tắc nghẽn kết nối vùng, mặc dù giữ vai trò là trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam, Bình Dương vẫn thiếu các cơ sở hạ tầng chiến lược như sân bay và cảng biển.
Thứ hai, thách thức từ mô hình tăng trưởng kinh tế khi Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi cơ cấu kinh tế chưa cân đối.
Thứ ba, hạn chế về chất lượng tăng trưởng, hiện tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, đặc biệt là vốn FDI, trong khi hiệu suất lao động và hiệu quả đầu tư giảm.
Thứ tư, sự bất cân đối cơ cấu kinh tế khi Bình Dương tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến và gia công, chiếm 62% GRDP (năm 2020).
Thứ năm, khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực, khi nguồn này của tỉnh vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về chất lượng
Thứ sáu, hạ tầng và đô thị hóa không đồng bộ, quỹ đất công nghiệp tại các khu vực phía Nam (Dĩ An, Thuận An) đã cạn kiệt, buộc tỉnh chuyển hướng phát triển lên phía Bắc (Bến Cát, Bàu Bàng, Tân Uyên).
Thứ bảy, vấn đề giới hạn sức chịu tải môi trường khi sức chịu tải của lãnh thổ đang vượt ngưỡng với dân số tăng nhanh và ô nhiễm môi trường nước, không khí nghiêm trọng.
Thứ tám, sức hút văn hóa - sinh thái đang bị giảm sút. Tiếp đến là áp lực từ cạnh tranh nội vùng và quốc tế. Thứ mười, hạn chế trong chính sách và quản trị.
“Những điểm nghẽn này không chỉ là các thách thức ngắn hạn mà còn là những bài toán chiến lược mà Bình Dương cần giải quyết để phát triển bền vững, duy trì vai trò đầu tàu trong khu vực và quốc gia. Việc tháo gỡ các điểm nghẽn này sẽ là chìa khóa để tỉnh phát huy tối đa tiềm năng, bước vào kỷ nguyên mới với tư thế vững vàng hơn”, ThS. Đào Duy Tùng nhấn mạnh.
Tháo điểm nghẽn để cất cánh trong kỷ nguyên vươn mình
Cũng theo ThS. Đào Duy Tùng, để hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững và vươn mình trở thành trung tâm kinh tế - xã hội kiểu mẫu, tỉnh Bình Dương cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển. Các giải pháp được đề xuất không chỉ dựa trên thực tiễn phát triển của tỉnh mà còn kế thừa kinh nghiệm quốc tế, định hướng vào việc tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững.
Theo đó, tỉnh cần hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng. Trong đó, xây dựng hệ thống giao thông chiến lược, tập trung đầu tư các tuyến đường cao tốc, đường vành, các tuyến đường sắt và bến cảng đường sông để giảm áp lực logistics. Ưu tiên hạ tầng kết nối vùng. Phát triển hệ thống giao thông thông minh. Hỗ trợ vận tải và giảm chi phí logistics. Quy hoạch các khu vực giao nhận hàng hóa gần các khu công nghiệp để giảm áp lực giao thông.
Bình Dương vừa trải qua một thời kỳ kinh tế phát triển nhanh và rộng, trong đó công nghiệp hoá thể hiện vai trò dẫn dắt - (Ảnh: Thanh Minh). |
Tiếp đến, Bình Dương cần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu. Thu hút đầu tư công nghệ cao, tập trung vào các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao như sản xuất công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, và trí tuệ nhân tạo. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp FDI và nội địa tham gia vào hệ sinh thái công nghiệp sáng tạo, tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
Phát triển kinh tế số và thương mại điện tử. Xây dựng nền tảng hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Tăng tỷ trọng dịch vụ, phát triển các dịch vụ tri thức, tài chính, bảo hiểm, và logistics. Xây dựng các khu đô thị thông minh, tích hợp đầy đủ các dịch vụ thương mại và giải trí cao cấp để gia tăng sức hút đầu tư và nâng cao chất lượng sống.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó ưu tiên cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo. Phát triển đô thị bền vững và đồng bộ, quy hoạch đô thị thông minh. Xây dựng mô hình đô thị tích hợp giữa công nghiệp, dịch vụ và nhà ở với hệ thống giao thông hiện đại, không gian sống xanh. Sử dụng hiệu quả quỹ đất công nghiệp tại các khu vực phía Bắc của tỉnh.
Tiếp đến, tỉnh Bình Dương cần phát triển bền vững môi trường trong đó cần xây dựng chính sách môi trường chặt chẽ. Ban hành các quy định bắt buộc về xử lý chất thải, giảm phát thải khí nhà kính theo tiêu chuẩn quốc tế. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Thực hiện việc phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái. Triển khai các dự án xanh hóa đô thị, phát triển các công viên, khu vực cây xanh.
Cùng với đó, tỉnh cần bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch bền vững. Xây dựng thương hiệu du lịch Bình Dương, liên kết với các tỉnh lân cận để tạo tuyến du lịch hấp dẫn.
Cuối cùng, Bình Dương cần tăng cường quản trị và cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng hệ thống chính quyền đô thị hiệu quả. Triển khai mô hình chính quyền đô thị thông minh, tập trung vào quản lý dân cư và lao động nhập cư. Xây dựng cơ chế phối hợp với các tỉnh trong vùng để giải quyết các vấn đề liên vùng.
ThS. Đào Duy Tùng nhấn mạnh, việc giải quyết hiệu quả các thách thức sẽ giúp tỉnh đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế giá trị cao. Cải thiện chất lượng sống, tạo môi trường sống an toàn, hiện đại, và thân thiện với môi trường cho người dân. Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế của tỉnh trên bản đồ kinh tế khu vực và quốc tế. |