Tiêu điểm

Gần 900 nhân viên y tế Hà Nội nghỉ việc: Sớm khắc phục thiếu hụt, có đãi ngộ tương xứng


Gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc, chuyển công tác trong 18 tháng qua khiến ngành y tế Thủ đô thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.

 Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, cần xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện có hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn. 

Gần 900 nhân viên y tế Hà Nội nghỉ việc: Sớm khắc phục thiếu hụt, có đãi ngộ tương xứng

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: Hải Nguyễn

Gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác

UBND TP.Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố. Báo cáo nêu từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày đêm.

Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành. Hệ quả, nhiều nhân viên y tế Hà Nội đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.

 UBND TP.Hà Nội lo ngại, dịch COVID-19 bùng phát trở lại hoặc việc xuất hiện chủng mới có khả năng lây lan, nguy hiểm hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, nếu không có chế độ hỗ trợ các y, bác sĩ và nhân viên y tế của TP.Hà Nội kịp thời, sẽ không bảo đảm nhân lực để phòng chống dịch.

Hiện, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản trình UBND TP về việc đề nghị xây dựng, ban hành quy định, chế độ hỗ trợ cho các y, bác sĩ và nhân viên y tế.

Theo đánh giá của Sở Y tế, đây là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm giữ chân nhân viên y tế; tri ân, khích lệ, động viên đội ngũ này, từ đó nâng cao năng lực của cơ sở khám chữa bệnh. Tờ trình sẽ được trình HĐND TP.Hà Nội tại phiên họp thường kỳ HĐND vào đầu tháng 7.

Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Hà Nội - cho biết, con số 857 nhân viên y tế, bác sĩ Hà Nội xin nghỉ việc và xin chuyển công tác trong gần 2 năm qua được UBND TP báo cáo HĐND TP là con số được tổng hợp đến ngày 30/4/2022.

"Toàn ngành y tế Hà Nội hiện có trên 26.000 người. Hiện chúng tôi đang tiếp tục rà soát, thống kê từ 30.4 về sau" - bà Hà nói.

Theo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Hà Nội, hiện nay nhiều đơn vị đã tự chủ nên việc ký hợp đồng, làm được hay không làm được và chuyện "ra vào" cũng là "chuyện rất bình thường" như những chỗ làm khác, năm nào cũng có người nghỉ chứ không phải 2 năm vừa rồi mới có người nghỉ.

Không ai rời đi khi công việc, thu nhập đang ổn định

Theo Giám đốc một bệnh viện lớn ở Hà Nội, thời gian qua, có nhiều cán bộ nhân viên y tế của viện đã xin nghỉ việc. Theo vị này, sau thời gian dịch bệnh và việc nhiều cán bộ y tế bị bắt khiến tâm lý của anh em rất nặng nề, nhiều người không hào hứng làm việc như trước. Cơ chế hiện nay rất khó để thực hiện việc mua sắm thiết bị y tế cũng như thuốc thang.

"Hiện các bệnh viện kiểu "có súng mà không có đạn để bắn", có người làm mà thiếu cơ chế, thiếu thiết bị, thuốc thang để phục vụ nhân dân" - vị lãnh đạo này bày tỏ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM - cho rằng, lương thấp là lý do nhân viên y tế dễ bỏ ngành. Có trường hợp ông cũng dùng biện pháp tâm lý, tình cảm, khuyên học trò, đàn em ở lại làm để giúp người nghèo, nhưng được phản hồi là "không còn lựa chọn nào khác. Sắp tới khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, cần tập trung vào việc nâng lương. Đặc biệt, phải trả tiền đúng với công sức trực đêm của nhân viên y tế, thay vì cho rằng đây là đặc thù nghề nghiệp và "trả cho có".

Ngoài ra, có thể tạo điều kiện cho y bác sĩ làm ngoài giờ, làm dịch vụ để cải thiện thêm thu nhập.

Về môi trường làm việc, nhân viên y tế, nhất là tuyến cơ sở phải được học tập để nâng cao năng lực và phải được làm đúng chuyên môn. Thực tế hiện nay, nhiều bác sĩ trẻ được đưa về trạm y tế toàn bị giao đi làm các chương trình dự phòng, chương trình tiêm chủng… thay vì thực hiện chức năng chữa bệnh. Lãnh đạo cơ sở y tế cần tạo ra môi trường có sự phản hồi, phản biện chứ không phải làm việc áp đặt, "trên dồn xuống dưới" sẽ dễ khiến các bác sĩ chán nản.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thực trạng nhân viên y tế rời đi khỏi bệnh viện công cấp thiết phải xem xét cải tổ, đổi mới ngành y tế, đặc biệt các vấn đề pháp lý, quy chế, luật định để các bệnh viện có hoạt động tốt hơn, chất lượng cao hơn và thu nhập của nhân viên tốt hơn. Không một ai công việc đang ổn định, mức lương tốt lại rời đi cả - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

* Đáng chú ý, năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác; từ tháng 1/2022 đến 30/4/2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.

* Tình trạng nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công cũng diễn ra đột biến tại TPHCM. Theo đó, chỉ trong quý I/2022, 400 người nghỉ việc - bằng tổng số người nghỉ việc trung bình mỗi năm - trước khi đại dịch xuất hiện. Riêng năm 2021, ngành y tế thành phố ghi nhận khủng hoảng lực lượng lao động với số người nghỉ việc là 1.154.

Để giải quyết tình trạng trên, ngày 7/4, TPHCM thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù để nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong đó chi hơn 138 tỉ đồng mỗi năm cho 310 trạm y tế (từ nay đến năm 2025) để thu hút nhân sự.

Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật