Theo Reuters và CNN, thông báo hôm 29/12 của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) thuộc Lực lượng Không quân Mỹ cho biết sự việc diễn ra vào hôm 21-12 và nói thêm lúc áp sát, máy bay Trung Quốc chỉ còn cách cánh máy bay của Mỹ khoảng 3 m, cách mũi máy bay khoảng 6 m.
Ảnh từ đoạn phim quay từ chiếc RC-135 của Mỹ cho thấy máy bay J-11 của Trung Quốc đang áp sát - Ảnh: INDOPACOM/REUTERS
Chiếc máy bay Trung Quốc là máy bay J-11 của lực lượng hải quân nước này; trong khi máy bay Mỹ gặp vụ "đụng độ" là một chiếc RC-135 Rivet Joint, một máy bay trinh sát với khoảng 30 người trong khoang.
INDOPACOM cho biết RC-135 đang trong vùng không phận quốc tế thuộc biển Đông và đang thực hiện các hoạt động thường lệ một cách hợp pháp. Phi công RC-135 đã quyết định né tránh, hạ độ cao so với máy bay Trung Quốc để tránh va chạm.
"Chúng tôi hy vọng tất cả quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sử dụng không phận quốc tế một cách an toàn và phù hợp với luật pháp quốc tế" - bản thông báo nói thêm.
Một quan chức Mỹ cho biết nước này đã nêu ra vấn đề trên với chính phủ Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Trước đây Trung Quốc từng nói việc Mỹ đưa tàu và máy bay vào biển Đông là không tốt cho hòa bình khu vực, trong khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc có "xu hướng hành vi ngày càng nguy hiểm".
Các máy bay và tàu quân sự Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động giám sát và đi qua khu vực này.