Tiêu điểm

Phương án mới về giá mua điện mặt trời mái nhà tự dùng dư thừa


Bộ Công Thương đưa ra cách tính giá mua điện mặt trời tự dùng dư thừa mới, không cố định và có thể cao hơn mức 671 đồng một kWh như đề xuất trước đó.

Chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đang được xây dựng theo hướng người dân được bán phần dư thừa lên lưới quốc gia. Gần nhất, Bộ Công Thương đề xuất tạm tính giá mua ở mức 671 đồng một kWh. Song, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu họ nghiên cứu cơ chế bù - trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua.

Tại báo cáo ngày 5/8, Bộ Công Thương đề xuất giá mua bán điện dư phát lên lưới của năm hiện tại được áp dụng không vượt quá giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề, do các bên mua bán thỏa thuận. Theo quy định này, EVN cho biết giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng một kWh.

-8173-1723106218.jpg

Giá điện mặt trời mái nhà có thể thay đổi so với đề xuất trước đó, không cố định ở 671 đồng một kWh.

Nếu phương án này được áp dụng, mức giá cho điện mặt trời mái nhà có thể thay đổi so với đề xuất trước đó, không cố định ở 671 đồng một kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023).

Liên quan tới tỷ lệ lượng điện dư được bán lên lưới, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra hai phương án.

Phương án 1, giữ nguyên như đề xuất trước đó. Tức là, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nối lưới, nếu không dùng hết sẽ được bán nhưng không quá 20% công suất tại miền Bắc và 10% tại các khu vực còn lại (gồm cả khu vực Tây Nguyên).

Phương án 2, người dân được bán không quá 10% công suất lắp đặt thực tế, không chia theo vùng miền.

Với cả 2 phương án, EVN sẽ thanh toán cho phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia theo đúng tỉ lệ công suất được quy định.

Bộ Công Thương cho biết họ đề xuất phương án 1. Lý do là phương án này khuyến khích lắp đặt tại miền Bắc, nơi có năng lượng bức xạ thấp nhất trong cả nước. Song, phương án này cũng tạo sự phân biệt giữa các vùng miền nên họ cho rằng phương án 2 sẽ phù hợp với thực tế hơn.

Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.

Tuy nhiên, với nguồn điện mặt trời mái nhà không nối lưới sẽ không giới hạn công suất. Do đó, nhà chức trách sẽ bổ sung quy định để đơn giản tối đa các thủ tục như miễn trừ giấy phép, giải quyết thủ tục đăng ký trong 7 ngày làm việc.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan soạn thảo phải nghiên cứu phương án nâng tỉ lệ mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc, 10% đối với khu vực miền Trung, miền Nam.

Về phương pháp xác định giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu theo hướng áp dụng cơ chế bù-trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua.

"Trường hợp người đầu tư lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng trở thành điện nền huy động vào giờ cao điểm cũng phải có ưu đãi về hỗ trợ thuế, tín dụng, được phát lên 100% công suất lắp đặt. Nếu vướng quy hoạch thì Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh khi bảo đảm công nghệ, kỹ thuật, chi phí giá thành"- Phó Thủ tướng lưu ý.

Dự thảo lần này cũng bổ sung quy định đơn vị điện lực sẽ nghiệm thu hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, hệ thống giám sát, điều khiển tại chỗ tại các công trình điện mặt trời mái nhà. Trường hợp công suất lắp đặt dưới 100 kW, hệ thống này phải kết nối thông tin với thu thập dữ liệu đo đếm từ xa của cơ quan điện lực. Còn công suất trên 100 kW, hệ thống phải kết nối với cấp điều độ phân phối.

Hồng Hương

Bài viết liên quan