Tiêu điểm

Thủ đoạn chiếm đoạt 430 tỉ với giúp sức của loạt nhân viên ngân hàng


Nguyễn Thị Hà Thành kêu gọi 1 số người cùng gửi tiền tiết kiệm để "đồng sở hữu" rồi với giúp sức của nhiều nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt hàng trăm tỉ.

Thủ đoạn chiếm đoạt 430 tỉ với giúp sức của loạt nhân viên ngân hàng

Nguyễn Thị Hà Thành (tại phiên toà sơ thẩm tháng 5) chiếm đoạt hàng trăm tỉ của các ngân hàng, cá nhân. Ảnh: VIệt Dũng

TAND Hà Nội đang nghiên cứu hồ sơ, lên kế hoạch xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, ở Hà Nội) và 25 bị cáo khác về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng".

Theo cáo trạng, năm 2016, Hà Thành muốn có vốn đầu tư kinh doanh nên vay những người có tiền với lãi suất cao, hoặc đề nghị đối phương gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu vào VietABank. Sau đó, bị can đề nghị đồng sở hữu đưa sổ tiết kiệm cho Thành quản lý.

Trước khi thực hiện ý định trên, Thành nhờ Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô của VietABank nói với Quản Trọng Đức - Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô là Thành sẽ đồng sở hữu gửi số tiền lớn vào VietABank. Ngay sau khi gửi, Thành cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền của ngân hàng.

Bị can Đức có trách nhiệm quản lý điều hành hoạt động kinh doanh của phòng giao dịch, kiểm soát các hồ sơ tín dụng và quản lý hoạt động giao dịch. Tuy nhiên, bị can này đã bàn bạc với Hương, thống nhất phát hành hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu trái quy định của VietABank.

Viện Kiểm sát xác định hợp đồng tiền gửi chỉ dành cho khách hàng doanh nghiệp, không dành cho cá nhân nhưng bị can Đức tự chỉnh sửa một số nội dung rồi giao cho Hương soạn, không cho nhân viên khác biết. Cuối cùng, Hương tự đánh số văn bản và không đưa vào hệ thống để quản lý, lưu trữ.

Để người đồng sở hữu bỏ tiền cùng gửi tiết kiệm, Thành cần có một nửa hoặc một phần tiền. Siêu lừa không có tiền nhưng bị can đã thông qua Thu Hương, đặt vấn đề nhờ Đặng Thị Quỳnh Hương - Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô của VietAbank vay "nóng" tiền và trả lãi cao. Không quen biết Thành nhưng Quỳnh Hương vẫn đứng ra bảo lãnh cho Thành vay tiền của nhiều khách hàng VietABank.

Theo cáo trạng, Quản Trọng Đức cùng thuộc cấp đã giúp Hà Thành trong tất cả khâu gồm gửi tiết kiệm, thẩm định hồ sơ, nhận tiền giải ngân và tất toán khoản vay.

Nhờ đó, Thành thực hiện thành công nhiều vụ gửi tiết kiệm đồng sở hữu, rồi dùng giấy tờ này vay vốn tại ngân hàng VietABank. Thành có "cơ hội" thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của VietABank gần 274 tỉ đồng và 4 cá nhân số tiền 63 tỉ đồng.

 

Tại NCB và PVcomBank, năm 2014, Thành và Nguyễn Thanh Tùng (đồng sở hữu Công ty Eurocell Việt Nam) cùng làm ăn nên quen biết nhau.

Năm 2017, doanh nghiệp này dừng hoạt động nhưng Tùng vẫn giữ con dấu, hồ sơ công ty. Sau đó, Thành và Tùng sử dụng pháp nhân này để vay tiền của các nhà băng.

Thông qua Thu Hương, Thành được giới thiệu với Nguyễn Hồng Trung - chuyên viên ngân hàng NCB và Bùi Văn Tuấn chuyên viên PVcomBank để làm thủ tục vay tiền.

Để có tài sản đảm bảo cho khoản vay, Hà nghĩ ra cách thức vay tiền từ ông Đặng Nghĩa Toàn (56 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tuy nhiên, Thành không nhận tiền mặt mà đề nghị vợ chồng ông Toàn gửi tiền vào 2 ngân hàng trên rồi giao sổ tiết kiệm cho Thành quản lý.

Đổi lại, vợ chồng ông Toàn được Thành trả ngay một khoản lãi ngoài là 4,2%-4,5% mỗi tháng.

Viện Kiểm sát cho rằng, Thành đã dùng thủ đoạn gian dối, giả chữ ký vợ chồng ông Toàn trên hồ sơ vay, cầm cố sổ tiết kiệm thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của NCB và PVcomBank. 

Tổng số Thành đã thực hiện 5 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 47,5 tỉ đồng của ngân hàng NCB và 49,4 tỉ của PVcomBank.

Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật