Tiêu điểm

Cạnh tranh xuất khẩu sang Canada bằng sản phẩm mới lạ


Muốn xuất khẩu thuận lợi sang Canada, các doanh nghiệp ngoài quan tâm đến yếu tố chất lượng, xuất xứ còn phải quan tâm đến tính độc đáo, mới lạ của sản phẩm để nâng tính cạnh tranh và thu hút người tiêu dùng, đồng thời nâng cao khả năng hưởng các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại CPTPP.

Trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và Canada rất thưa thớt nhưng từ khi Hiệp định thương mại CPTPP có hiệu lực (14/1/2019), hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia đã sôi động hơn.

18,2% doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada có tiến triển tích cực khi đạt trên 65% từ 3,9 tỷ USD năm 2019 lên 6,3 tỷ USD năm 2022. Hiện, Việt Nam là đối tác xuất khẩu thứ 7 của Canada và Canada là đối tác nhập khẩu thứ 10 của Việt Nam.

Đặc biệt, Hiệp định CPTPP đã mở cơ hội thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Canada vào Việt Nam. Cụ thể là có đến 65,8% tổng số dòng thuế sẽ được loại bỏ (thuế suất 0%) khi Hiệp định có hiệu lực, 86,5% tổng số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và có đến 97,8% tổng số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế đặc biệt, tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Ngược lại, đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Canada cũng có những ưu đãi về thuế quan. Cụ thể có đến 94,5% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực với Canada (30/12/2018). Có đến 96,3% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (từ ngày 1/1/2021).

Chia sẻ tại Diễn đàn trao đổi Xuất nhập khẩu Việt Nam – Canada tổ chức ngày 23/11, bà Nguyễn Thanh Trà, Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết nhiều mặt hàng là lợi thế của Việt Nam trong nhóm như dệt may, đồ gỗ, nhựa và các sản phẩm bằng nhựa, thủy sản, rau quả… khi xuất khẩu sang Canada còn được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực với tất cả các dòng thuế (thuế GPT và thuế MFN).

-2642-1700732199.jpg

Tận dụng rơm để sản xuất viên nén xuất khẩu vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo việc làm cho nhiều người dân và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững khi xuất khẩu được vào nhiều thị trường khó tính.

Đặc biệt, các rào cản phi thuế quan như thủ tục hải quan, các biện pháp kỹ thuật (TBT) cũng được cắt giảm, minh bạch hơn, thuận lợi hơn. Ngay như các biện pháp TBT khi xuất sang Canada đã được bỏ các yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ thương mại, bỏ các yêu cầu ràng buộc về lãnh thổ với tổ chức chứng nhận sự phù hợp… nên tạo thuận lợi, giảm chi phí, thủ tục, thời gian cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này.

Thực tế trong thời gian qua, khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu Việt Nam sang Canada đã tăng đáng kể. Doanh nghiệp tận dụng được các ưu đãi thuế quan trong xuất khẩu sang Canada chưa nhiều

Theo khảo sát của VCCI, đến 2022, tỷ lệ doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi thuế quan khi CPTPP có hiệu lực mới là 18,2%. Con số này còn thấp và kém hơn cả khi so với tỷ lệ trung bình về tận dụng ưu đãi thuế quan của các FTA nói chung là 33,6%.

Điều này phần lớn đến từ việc doanh nghiệp không biết có ưu đãi thuế quan (45,3% doanh nghiệp khảo sát). Ngoài ra, có đến gần 70% doanh nghiệp biết qua về CPTPP nhưng tỷ lệ doanh nghiệp biết rõ, hiểu rõ chỉ khoảng 25%. Đặc biệt tỷ lệ doanh nghiệp gặp những khó khăn về nguyên liệu, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp không đáp ứng được quy tắc về xuất xứ của CPTPP lên đến gần 40%.

Bảo đảm xuất xứ, nâng cao tính mới lạ

Bà Đỗ Thu Ngân, chuyên gia tài chính đầu tư đang làm việc ở Canada, cho biết đã có một thực tế là ở Canada có nhiều nước mắm trên nhãn mác ghi là “nước mắm Phú Quốc” nhưng lại có địa chỉ sản xuất ở Hồng Kông. Điều này cho thấy, cơ hội cho những sản phẩm này của Việt Nam là rất lớn nhưng doanh nghiệp phải làm rõ được vấn đề về quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ khi xuất khẩu.

Thực chất, Canada rất tạo điều kiện cho Việt Nam khi xuất khẩu nhưng thị trường này cũng rất minh bạch về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thông qua việc “ưa” sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể là đến nay, nước này đã khởi kiện 279 vụ về chống bán phá giá, 79 vụ về chống trợ cấp đối với hàng hóa Việt Nam, trong khi Việt Nam chỉ khởi kiện 20 vụ về chống bán phá giá, 1 vụ về chống trợ cấp.

Bà Nguyễn Thanh Trà cho rằng, việc bảo đảm các quy tắc về xuất xứ, sở hữu trí tuệ ban đầu sẽ khiến doanh nghiệp tốn thêm chi phí đầu tư nhưng về lâu dài doanh nghiệp sẽ được bảo vệ trước tình trạng hàng giả, hàng nhái và đạt được lợi ích kinh tế, được bảo vệ khi xảy ra các tranh chấp khi xuất khẩu.

Đặc biệt, người Canada sẵn sàng trả giá cao hơn với sản phẩm của doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Còn đối với các sản phẩm nhập khẩu, người tiêu dùng nước này lại đánh giá cao và sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm có yếu tố tác động xã hội, môi trường.

Là một doanh nghiệp xuất khẩu thành công sang Canada với sản phẩm Eco Firelighters-viên nén làm từ rơm rạ dùng để mồi lửa phục vụ cho các hoạt động nấu ăn khi cắm trại, đốt lò sưởi…, ông Nguyễn Xuân Tài, sáng lập thương hiệu Nam Tural, cho biết Canada đang hướng đến tiêu dùng xanh nên nước này có cam kết cụ thể và có rào cản cụ thể đối với từng sản phẩm ở từng lĩnh vực trong thời gian nhất định. Trong khi rơm rạ ở Việt Nam phần lớn là phế phụ phẩm bỏ đi nhưng khi được tận dụng và sản xuất thành viên nén, nó lại là sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Sản phẩm này đang rất phổ biến ở nước ngoài và đáp ứng được nhu cầu của người dân bản địa trong nhiều hoạt động của cuộc sống.

Bởi Canada có mùa đông rất dài và lạnh (có thể kéo dài đến 8 tháng). Đây cũng là đất nước có đến 32.321 hồ nên người dân luôn gắn các hoạt động giải trí gắn với thiên nhiên (vào rừng, vào hồ như cắm trại, du lịch)… từ đó nhu cầu dùng các loại viên nén từ nguyên liệu thân thiện với môi trường rất lớn.

Tuy nhiên, Canada là nước có người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới, nước này cũng có nhiều chương trình hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp nước ngoài nhưng không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể biết và nắm được do Canada có nhiều tỉnh và bang khác nhau, mỗi tỉnh, bang lại có quy tắc xuất nhập khẩu riêng.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Xuân Tài, doanh nghiệp Việt cần phải có riêng người đại diện ở Canada để tìm hiểu về các chương trình này thì mới hiểu được con đường, cách thức vận chuyển, hệ thống logistics, chính sách ở từng tỉnh bang để áp dụng và tận dụng được các cơ hội.

Cùng chung quan điểm này, ông Shameel, Giám đốc một công ty may mặc tại Canada, cho rằng doanh nghiệp Việt cần có người đại diện ở Canada để tìm và nắm bắt được nhiều cơ hội. Người đó sẽ chịu trách nhiệm trong phân phối, quảng bá để sản phẩm đi rộng hơn, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm các chi phí về xúc tiến thương mại, quảng bá, marketing…

Một thách thức đối với doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu đó là Canada là thị trường rộng lớn, văn hóa đa dạng. Nhưng nếu tìm hiểu nhiều, doanh nghiệp có quá nhiều dữ liệu thì sẽ bị loãng, gây mất tập trung. Với hàng hóa xuất khẩu cũng vậy, nếu tìm hiểu, nắm bắt thông tin quá dàn trải thì không phải là chiến lược thành công của doanh nghiệp Việt đối với thị trường này. Điều quan trọng đối với doanh nghiệp chính là chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm của mình đảm bảo nguồn gốc nhưng phải có tính mới mẻ, độc đáo, hữu ích không chỉ trên giấy tờ mà còn cả trên thực tế sử dụng, từ đó mới tạo sức hút cho khách hàng.

Ông Shameel cho rằng, thực tế trong kinh doanh cho thấy, ở cùng một thị trường nhưng luôn có nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh một mặt hàng nên doanh nghiệp Việt cần phát triển được tính cạnh tranh. Muốn vậy, doanh nghiệp cần phải rõ ràng trong xây dựng chiến lược với đối tác, định vị thương hiệu. “Ngay như sản phẩm của thương hiệu Nam Tural hiện đã tạo ra được sự khác biệt, có tính cạnh tranh, phù hợp với người tiêu dùng và nhu cầu của người Canada”, ông Shameel chia sẻ.

Huyền Trang

Tác giả: 18,2% doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan