Tiêu điểm

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tránh những ‘khúc cua’


Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện tại cần nhìn rõ đâu là khó khăn và đâu là cơ hội và cần tránh những “khúc cua” bằng việc theo dõi sát những biến động của thị trường. Từ đó, cân nhắc những điều kiện cần khi bán hàng để đảm bảo không gặp phải khó khăn và những quy định bất hợp lý, tránh tình cảnh “tự lấy đá ghè chân mình”. 

Trước việc một công ty ở Đồng Tháp là đơn vị duy nhất của Việt Nam vừa trúng thầu cung cấp 50.000 tấn gạo (thời gian giao hàng từ tháng 9 đến hết tháng 11 năm nay) với giá dao động khoảng 640-650 USD/tấn (giá CIF) trong phiên mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo 5% tấm của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia vào trung tuần tháng 9/2023, có ý kiến cho rằng đó là một thông tin tích cực, nhưng trước diễn biến thị trường lúa gạo còn nhiều biến động thì chưa biết mức giá trúng thầu như vậy liệu có mang lại lợi nhuận cho nhà cung cấp của Việt Nam hay không ?

Thận trọng trước biến động giá cả

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) gạo, trao đổi với VnBusiness, ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, tỏ ra băn khoăn khi mà hiện tại giá bán ở Việt Nam đã là 650 USD/tấn, trong khi giá mà đơn vị nêu trên trúng thầu để bán gạo sang Indonesia lại có mức dao động khoảng 640-650 USD/tấn (giá CIF).

-3644-1695029710.png

Trong bối cảnh giá gạo thế giới đang “nóng” thì các nhà XK gạo của Việt Nam cần nhìn thấy đâu là khó khăn và đâu là cơ hội đối với họ.

Từ mức giá trong nước cho đến giá trúng thầu như vậy, theo ông Tâm, điều đó cũng có thể mang lại rủi ro cho nhà cung cấp gạo Việt nếu như thị trường đi ngang hoặc đi lên chứ không giảm. 

“Cho nên bản thân DN của chúng tôi cũng sẽ quan sát, rút ra những bài học thực tế như các tháng vừa qua để tránh trường hợp rủi ro trong bán hàng, thậm chí hôm nay còn phải giao hàng cho những đơn hàng đã ký với mức giá hồi tháng 3 hay tháng 4, 5/2023. Và đã có những DN vừa phải trả nợ vừa phải thực hiện hợp đồng”, vị giám đốc của Công ty Cỏ May lưu ý.

Cũng theo vị giám đốc này, các DN xuất khẩu gạo hiện tại đang nhìn thấy đâu là khó khăn và đâu là cơ hội đối với họ. Nếu muốn bán hàng thì họ sẽ phải cân nhắc yếu tố về hàng tồn kho và có những điều kiện cần để đảm bảo khi thị trường biến động sẽ không làm cho DN gặp khó. 

Trong bối cảnh giá XK ở mức cao như hiện nay, có thể thấy sự thận trọng, phòng ngừa các rủi ro về giá cả của giám đốc DN nêu trên và của những DN khác trong ngành gạo Việt là điều cần thiết thay vì chăm chăm…trúng thầu. 

Họ phải theo dõi sát tình hình thị trường trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang có nhiều biến động, đánh giá đầy đủ các cơ hội cũng như rủi ro. Để qua đó xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.

Ngoài ra, cần nhắc lại, trong bối cảnh giá gạo trong nước lẫn XK vẫn đang tăng ở mức cao, vào thượng tuần tháng 9/2023, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn XK gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa thương nhân XK gạo.

Đừng “tự lấy đá ghè chân mình”

Vì giá cả biến động tăng quá nhanh, nên theo VFA, dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân, thương lái (hàng xáo) đến nhà máy xay xát chế biến và DN xuất khẩu gạo. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, DN xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, một số DN xuất khẩu cho rằng giá sàn trong bối cảnh giá gạo XK đang tăng cao, nông dân được lợi là thì chẳng khác nào tự gây khó khăn thêm cho XK gạo, chẳng khác nào “tự lấy đá ghè chân mình”. 

Theo ông Đinh Minh Tâm, quy định giá sàn ở thời điểm này không có lợi bối cảnh thị trường XK gạo hiện nay đã khác các năm trước đây. Thực ra, vài năm trước Việt Nam đã từng áp dụng giá sàn XK vì thời điểm đó có tình trạng nhiều công ty ở lĩnh vực khác nhảy vào XK gạo mà không hề có vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến…dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán. Còn hiện tại giá lúa gạo nội địa đang tăng, nông dân có lợi. Giá XK gạo cũng tăng, DN ký hợp đồng mới giá tốt hơn. Hơn nữa, giá lúa gạo Việt Nam biến động nhưng sẽ tự điều chỉnh theo thị trường.

Ngoài vấn đề nêu trên, những dự báo mới nhất cho thấy trong các tháng cuối năm nay thị trường gạo thế giới còn nhiều biến động, tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho mục tiêu XK bền vững của ngành lúa gạo Việt.

Giới chuyên gia cho rằng các DN trong nước không nên nghĩ đến chuyện lời nhiều hay lời ít mà phải làm sao để gạo Việt khi XK ra thị trường toàn cầu phải đạt chất lượng cao và cần phải trả lại giá trị thực của nó. Nhất là khi không phải quốc gia nào cũng có những cánh đồng trù phú, tự nhiên như ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vẫn có những DN nội địa trong ngành gạo Việt do văn hóa thương mại thấp kém khiến cho chúng ta không những không phát huy mà thậm chí còn làm mất đi lợi thế trời cho đó.

Bên cạnh đó, xét về yếu tố bền vững cho sản xuất và XK gạo trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn Lộc Trời, nhấn mạnh việc sản xuất lúa gạo đang không “bền vững” và chúng ta cần một sự thay đổi mang tính chiến lược.

“Khi nhìn nhận tính khẩn cấp của việc “phát triển bền vững”, các nhà khoa học của chúng tôi đã xây dựng chiến lược về sản xuất lúa gạo và toàn tập đoàn triển khai chiến lược này trong các hoạt động hàng ngày”, ông Thuận nói.

Chẳng hạn như trong các nhà máy chế biến gạo, theo vị Tổng giám đốc của Lộc Trời, để giảm thất thoát và lãng phí sau thu hoạch thì công ty đang áp dụng kaizen (một trong những cải tiến chất lượng của Nhật Bản giúp các DN áp dụng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm) trong 10 nhà máy của mình để tăng hiệu suất lên 90% so với hiệu suất trung bình hiện tại 70%. 

Cũng theo vị Tổng giám đốc này, khi thị trường gạo toàn cầu “nóng” lên là dịp để Việt Nam khẳng định một lần nữa sự vững chắc và bền vững của lúa gạo Việt Nam chứ không phải cơ hội để tìm kiếm trên thị trường nhờ chúng ta đã chứng minh được uy tín thông qua tính ổn định đối với nguồn cung hàng hóa.  

 “Đây cũng là lúc chúng ta nhìn ra được, người mua quốc tế, người mua những lô lớn và ổn định sẽ tìm tới Việt Nam, sẵn sàng tìm kiếm cơ hội nghiêm túc, ổn định, lâu dài và sẵn sàng cùng với Việt Nam tạo ra nguồn cung ổn định trên thế giới”, ông Thuận chia sẻ.

                                                                                 Thế Vinh