Tiêu điểm

Giá cao nhất trong 30 năm, xuất khẩu cà phê Việt Nam được hưởng lợi ra sao?


Giá xuất khẩu cà phê đang ở mức cao nhất 30 năm qua. Tuy nhiên, mức giá này có đang mang lại lợi ích cho người trồng cà phê và doanh nghiệp hay không?

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 11 - 17/9, giá hai mặt hàng cà phê cùng tăng mạnh, dù cho nguồn cung đang có những tín hiệu tích cực.

Giá cao nhất trong 30 năm, xuất khẩu cà phê Việt Nam được hưởng lợi ra sao?

Giá cà phê tăng cao trên các sở giao dịch hàng hóa

Cụ thể, giá Arabica dẫn đầu đà tăng của nhóm với 7,06%, giá Robusta theo ngay sau với mức tăng 6,19% so với tham chiếu. Kết tuần, giá cả hai mặt hàng đều ở mức cao nhất trong 1 tháng. Trong tuần, Arabica có 3/5 phiên mang sắc xanh và lực tăng tập trung chủ yếu vào hai phiên cuối tuần, Robusta có 4/5 phiên tăng so với tham chiếu.

Giá dầu thô và đồng USD cao đã đẩy mạnh lực mua của giới đầu cơ, trong khi xuất khẩu cà phê cùng tồn kho trên Sở ICE đều cho thấy sự tích cực so với giai đoạn trước.

Theo đó, Brazil đã xuất khẩu 3,67 triệu bao cà phê loại 60kg trong tháng 8, trong đó có 3,35 triệu bao cà phê nhân, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2022, theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE). Trong 3,35 triệu bao cà phê nhân xuất đi trong tháng 8 thì có 2,65 triệu bao cà phê Arabica và 698.856 bao cà phê Robusta, tăng lần lượt 11,2% và 443% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức xuất khẩu trong 1 tháng cao kỷ lục đối với Robusta.

Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US trong tuần tăng 3.360 bao loại 60kg sau 1 tháng giảm liên tiếp nhờ nguồn cung bổ sung từ Brazil. Cũng chính nguồn cung từ Brazil đã giúp tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tăng từ mức 35.770 tấn lên 38.730 tấn.

MXV nhận định trong tuần này, giá cà phê có thể điều chỉnh giảm vào đầu tuần khi dữ liệu tồn kho trên Sở ICE chuyển hướng tích cực nhờ sự bổ sung từ Brazil. Đến cuối tuần, giá mặt hàng này khả năng cao sẽ chịu chi phối từ số liệu ước tính sản lượng cà phê năm 2023 của Brazil, được Cơ quan cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ nước này (CONAB) công bố trong báo cáo khảo sát mùa vụ lần thứ 3 vào ngày 20/9.

Giá cao nhất trong 30 năm, xuất khẩu cà phê Việt Nam được hưởng lợi ra sao?

Giá cà phê đang ở mức rất cao

Ở thị trường nội địa, chưa bao giờ thị trường cà phê tăng lên mức cao đến vậy. Giá cà phê nội địa đang tiệm cận mức 70.000 đồng/kg, là mức giá rất cao trong nhiều năm qua. Năm ngoái, giá cà phê lần đầu thiết lập mức 52.000 đồng/kg nhưng nhanh chóng sụt giảm. Với mức giá vượt 70.000 đồng/kg như hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không thể tưởng tượng nổi.

Giá cà phê đang duy trì tại mức cao trong lịch sử là tin vui đối với nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên, điều đáng nói nguồn cung cà phê của Việt Nam đang rơi vào tình trạng khan hiếm.

Tại một số tỉnh trọng điểm ở Tây Nguyên, lượng cà phê dự trữ của người dân và một số doanh nghiệp còn rất ít do mất mùa dẫn tới nguồn cung khan hiếm, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết.

Từ đợt tăng giá đột biến hồi tháng 7 và tháng 8 vừa qua, chỉ có một bộ phận số ít người sản xuất, cơ sở, doanh nghiệp chế biến được hưởng lợi từ lượng cà phê dự trữ khi giá cà phê đạt đỉnh.

Lãnh đạo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cũng thừa nhận, giá cà phê đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua . Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu không mua trữ cà phê như trước, mà ký hợp đồng tới đâu mua tới đó. Trong bối cảnh lãi suất cho vay ngân hàng ở mức cao, khả năng tiếp cận tín dụng thu mua bị hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không đủ vốn để gom hàng.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk nhận định, với vị trí thuận lợi về logistic, là trung tâm cửa ngõ của châu Á, dư địa ngành nông sản hay cà phê của Việt Nam còn rất lớn và kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 10 tỷ USD trong 10 năm tới.