Thưa bà, là một trong những HTX sản xuất và phân phối sản phẩm vải thiều của huyện Lục Ngạn – tỉnh Bắc Giang, năm 2023, dự kiến sản lượng vải thiều của HTX như thế nào? Sản phẩm của hợp tác đang tiêu thụ tại những đâu và HTX có kế hoạch gì để giúp sản phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường nội địa trong năm nay?
Vụ mùa 2023, dự kiến lượng vải thiều của HTX là 300 tấn.
Về thị trường tiêu thụ, hiện sản phẩm của HTX đang có mặt tại nhiều thị trường, chủ yếu là nội địa, kể cả bán buôn, bán lẻ tại các địa phương trên cả nước. Ngoài ra, HTX đang bán hàng trên các kênh bán hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử như Postmart, Sendo… để đưa sản phẩm đến các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Trà – Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Bình Nguyên |
Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp suất ăn cho hành khách tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Sản lượng vải thiều phục vụ trên suất ăn hàng không tuy không nhiều nhưng giúp quảng bá cho sản phẩm rất tốt.
Đặc biệt, chúng tôi đã cung cấp sản phẩm tiêu thụ trên hệ thống bán hàng của bưu điện trong 2 năm gần đây với sản lượng rất tốt. Năm nay, dự kiến sản lượng vải thiều tiêu thụ qua bưu điện sẽ vẫn rất ổn định.
Vụ vải 2023, dự kiến HTX sẽ giữ vững và ổn định thị trường của những năm qua và đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường nội địa ra nhiều tỉnh thành.
Đặc biệt, năm 2023, chúng tôi sẽ kết hợp bán vải với du lịch sinh thái cho khách đến du lịch, thăm quan và hái vải tại vườn của HTX.
Để có chỗ đứng trên thị trường nội địa, hợp tác xã đã nỗ lực và được cơ quan nhà nước, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp hỗ trợ như thế nào để sản phẩm được kết nối và tiêu thụ tại các hệ thống phân phối trên cả nước?
Ngoài sự nỗ lực tự tìm kiếm thị trường của HTX thì chúng tôi cũng nhận được sự hỗ tợ của các cơ quan ban ngành như hỗ trợ về kỹ thuật nông nghiệp, hướng dẫn trồng vải theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP… Địa phương đã hỗ trợ cho chúng tôi nhiều kiến thức như phải sử dụng phân bón nào, thuốc bảo vệ thực vật nào và thời gian giãn cách ra sao. Đó là những hỗ trợ về kỹ thuật nông nghiệp. Đây là hỗ trợ lớn nhất để sản phẩm đạt được tiêu chuẩn, có thể tiêu thụ tại hệ thống siêu thị hoặc các kênh phân phối khác.
Còn nhiều tiềm năng cho trái vải ở thị trường nội địa |
Bên cạnh đó, các Bộ ngành, địa phương đã hỗ trợ quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đến khách hàng khắp mọi miền Tổ quốc. Những năm gần đây, chúng tôi được hỗ trợ mạnh để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đây là giải pháp đưa sản phẩm đến các tỉnh thành phía Nam và các địa phương ở xa với số lượng lớn.
Bên cạnh những thuận lợi đã nêu, bà cho rằng, đâu là khó khăn hợp tác xã đã gặp phải trong quá trình phát triển thị trường nội địa cho sản phẩm?
Tôi nhận thấy rằng, trong quá trình phát triển thị trường nội địa, chúng tôi gặp nhiều khó khăn như chất lượng vải thiều khi theo đuổi theo tiêu chuẩn sạch thì thị trường bao tiêu chưa thực sự toàn diện mà chỉ được 1 phần nhỏ trong sản phẩm làm ra. Bởi vì sản phẩm làm theo tiêu chuẩn thì sẽ có giá bán cao hơn sản phẩm thường và khó bán hơn, nhiều giai đoạn chúng tôi gặp thua lỗ.
Bên cạnh đó, vải thiều là loại quả rất khó tính nên có thể khi thu hoạch rất tươi ngon nhưng khi vận chuyển vào các thị trường xa như thị trường phía Nam thì đã bị thay đổi nhiều cả về hình thức và chất lượng. Do đó chúng tôi mong muốn được hỗ trợ về kỹ thuật bảo quản để có thể vận chuyển đi xa mà vẫn giữ được hình thức và chất lượng.
Ngoài ra, những năm qua, do dịch bệnh nên để thuê được công nhân thu hoạch vải rất khó khăn, giá nhân công cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất vải.
Ở vai trò đơn vị sản xuất, hợp tác xã có mong muốn gì với các cơ quan chức năng nhằm giúp lan toả thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, thưa bà?
Vấn đề truyền thông quảng bá thương hiệu là điều chúng tôi mong muốn. Truyền thông phải đúng thời điểm vì thời gian thu hoạch vải thiều rất ngắn cho nên nếu như đến mùa mới truyền thông thì sẽ không kịp. Cho nên chúng tôi mong muốn các cơ quan truyền thông vào cuộc quảng bá cho trái vải sớm hơn để người tiêu dùng biết được, tiêu thụ kịp thời.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ vì thị trường nội địa còn rất nhiều tiềm năng. Các mùa vụ trước, chúng tôi đã có những chuyến hàng xuất vào Tây Nguyên và được người tiêu dùng rất đón nhận. Họ cũng phản hồi là chưa bao giờ được ăn vải ngon như vậy. Do đó, chúng tôi thấy rằng đây là thị trường rất tiềm năng và muốn được kết nối với doanh nghiệp bán lẻ ở khu vực này để tiêu thụ được nhiều vải hơn.
Ngoài ra, công nghệ bảo quản và chế biến vải là điều không chỉ chúng tôi mà người trồng vải ở Lục Ngạn đều gặp khó khăn. Vì vậy, chúng tôi muốn được hỗ trợ kỹ thuật bảo quản trái vải để có thể đi xa hơn, bảo quản lâu hơn hoặc là chế biến sản phẩm sau thu hoạch để nâng cao giá trị trái vải.
Xin cảm ơn bà!