Sinh ra và lớn lên từ đời sống lúa mùa, từ nhỏ, Lê Văn Việt đã đi ra đồng ruộng với ông bà ngoại. 13 tuổi ba mất, chàng trai ấy chính thức làm nông dân.
Văn hóa lúa mùa chảy suốt cuộc đời
Với bản tính ham học hỏi, tự quan sát và đúc rút kinh nghiệm, mới 15 tuổi, Lê Quốc Việt đã như một người nông dân thực thụ. Tất cả những công việc đồng áng mọi người làm được thì chàng trai Lê Quốc Việt cũng làm được. Đến năm 18 tuổi, chàng trai ấy chính thức bước chân vào đại học nên con đường lúa mùa tạm thời bị dừng lại.
Có một điều, khi đi học đại học chuyên ngành trồng trọt, nhà trường chỉ dạy về cây lúa ngắn ngày, không dạy về cây lúa mùa trồng theo vụ. Do đó, sau khi học xong và đi làm việc, Lê Quốc Việt cũng làm nhiều về cây lúa cao sản với những vấn đề như giống nào cho năng suất cao nhất, canh tác như thế nào, phân bón ra sao… để lúa có năng suất tốt nhất.
Kỹ sư Lê Quốc Việt khao khát khôi phục văn hóa lúa mùa. |
Suốt một chặng đường dài gắn bó với cây lúa cao sản, tập trung vào nâng cao năng suất, đến khi 50 tuổi, Lê Quốc Việt mới nhận thấy những câu chữ trong bài hát “Khúc hát sông quê” thấm đẫm ý nghĩa và giống như cuộc đời của chính mình đó là “Quá nửa đời người phiêu bạt, con lại về úp mặt vào sông quê”.
Lúc đó, mỗi một năm vào mùa gió Bắc (Gió mùa Đông Bắc), những ký ức tuổi thơ trỗi dậy trong Lê Quốc Việt. “Ô! một đời sống văn hóa lúa mùa của mình đã mất đi rồi ư? Nếu không khơi lại thì con mình, cháu mình cũng không ai biết”, người kỹ sư nông nghiệp nghĩ. Từ đây, Lê Quốc Việt ấp ủ một giấc mơ xây dựng một trang trại để phục dựng lại cách thức sản xuất lúa mùa của ông bà ngày xưa. Điều này trước hết là giúp ông sống lại với ký ức và tiếp theo là giúp con cháu, thế hệ trẻ hiểu về đời sống sản xuất, văn hóa canh tác lúa truyền thống.
Đến năm 2017, qua quá trình tích lũy 6 năm về tài chính, sưu tập công cụ…kỹ sư Lê Quốc Việt đã chính thức “xây dựng” trang trại văn hóa lúa mùa trên diện tích 2,5ha. Trong đó có một thửa ruộng rộng khoảng 1,2 ha để trồng các giống lúa mùa xưa (Chim Rơi, Ba Bụi, Trắng Tép Vàng…) theo hình thức mỗi năm một vụ được canh tác giống như thời cha ông. Để tìm được các giống lúa mùa, ông phải cất công đi nhiều nơi tìm hiểu, phải ăn thử để biết đâu là giống lúa mùa, đâu là giống lúa thị trường để tập trung đầu tư.
Ông vẫn đang nghiên cứu và chia sẻ những kinh nghiệm phát triển văn hóa lúa mùa cho nhiều người. |
Ngoài ra là một không gian trưng bày những nông cụ mà người xưa sử dụng để phục vụ sản xuất như cày, bừa, quốc, đập, xay lúa, nồi nấu cơm, các nông cụ bắt cá như nơm, đó, vó…
Với những gì đã làm, kỹ sư Lê Văn Việt cho rằng nếu một mai mà ông không còn sức nữa thì chắc những nông cụ này cũng sẽ không còn nhiều vì con cái ông cũng không theo con đường nông nghiệp. Do đó, ngoài sưu tập và làm sống lại không gian sản xuất lúa mùa, kỹ sư Lê Văn Việt đã thực hiện ghi chép lại đời sống văn hóa lúa mùa để thực hiện lưu trữ bằng sách với mong muốn người sau nếu muốn nghiên cứu thì cũng biết cách, biết chỗ để tìm hiểu.
Khi làm được mô hình này, ông nhận thấy đúng là cách làm của cha ông là giúp tạo ra những hạt lúa sạch, môi trường ít bị ô nhiễm. Nhưng vì sao quy trình sản xuất này lại sạch thì sau khi nghiên cứu và được học về sản xuất lúa hữu cơ, ông mới lý giải được.
Đó là cách thức sản xuất lúa của ông bà mình làm ít tác động đến môi trường, tôn trọng tự nhiên, khác hoàn toàn với việc canh tác một năm 3 vụ lúa mà không cho đất nghỉ như nhiều nơi đang làm hiện nay. Và muốn cho gạo sạch, lúa khỏe thì phải có đất khỏe. Muốn đất khỏe thì phải bảo vệ các loài côn trùng có ích và điều này ông bà ta đã làm được. Và đây chính là hình thức canh tác thuận theo tự nhiên với những giá trị bền vững không thể nào chối bỏ.
Điểm nhấn từ đa dạng sinh học
Tuy làm mô hình này với mục đích bảo tồn là chính, không đặt nặng vấn đề kinh tế nhưng qua thời gian ông hiểu rằng để phát triển và duy trì được mô hình này cũng cần một nguồn kinh tế nhất định. Trong khi các nông cụ và mô hình có được đều làm bằng nguyên liệu tự nhiên như cây, lá, rơm, tre… nên theo thời gian cũng sẽ bị hư hỏng.
Do đó, làm sao để có một khoản thu nhập nhằm duy tu, bảo dưỡng mô hình này cũng là vấn đề. Sau một thời gian nghiên cứu, ông đã quyết định ngoài trồng những giống lúa mùa còn phát triển thêm một số giống lúa thị trường đang cần để nâng cao giá trị kinh tế.
Ông Lê Quốc Việt nhận giải thưởng Nhà khoa học của nông dân. |
Tuy mở rộng một số giống lúa nhưng tâm niệm của ông vẫn là sản xuất phải thực chất. Tức là trồng lúa gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học. Nếu như xưa ông bà không sử dụng thuốc trong quá trình trồng lúa thì trong ruộng có rất nhiều cá đồng, ốc, cua và nhiều loại thực vật có thể tận dụng để ăn giống như rau. Chính vì vậy, quy trình trồng lúa ở trang trại lúa mùa cũng vậy, không sử dụng hóa chất để bảo tồn đa dạng sinh học một cách tối ưu.
Song song đó, ông và các cộng sự đã sưu tập các loại thực vật, thậm chí là cả những loài cỏ dại để mang về trồng. Ngay như loài cỏ Voi, ngày nay với quá trình thâm canh tăng vụ, nhiều nơi đã phá bỏ và gần như không có sự xuất hiện của loài cây này. Nhưng đến với trang trại văn hóa lúa mùa thì loại cỏ này vẫn xuất hiện. Chính vì vậy, việc xây dựng trang trại kết hợp với hình thức giáo dục đã có nhiều ý nghĩa khi các em học sinh, sinh viên đến đây tìm hiểu có thể biết đến cây cỏ Voi, biết cách bắt cua, bắt ốc, bắt cá, biết con ba ba, biết cây cần đước… và biết cả những cách ông bà ta làm những nông cụ, thu hoạch, xay, giã lúa như thế nào.
Điểm nhấn của trang trại chính là xây dựng được mô hình đa dạng sinh học chứ không phải sân chơi giả tạo thông thường. Chính vì vậy, kỹ sư Lê Văn Việt mới tự tin nhận rằng mô hình của ông chính là một trang trại mang tính giáo dục chứ không phải một trang trại vui chơi.
Du khách trải nghiệm hoạt động xay gạo lúa mùa. |
Hiện với diện tích đất eo hẹp nhưng hàng năm, trang trại của ông vẫn trồng một số giống lúa và kết hợp với các viện, trường để nghiên cứu xem giống lúa nào hiệu quả thì nhân rộng trong thực tiễn thông qua mô hình HTX. Đến năm 2023, ông thành lập HTX Nông dân sáng tạo và là Chủ tịch hội đồng quản trị HTX. HTX không chỉ hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất lúa mùa mà còn liên kết với những HTX khác trong sản xuất và bao tiêu lúa hàng hóa.
Đặc biệt để chứng minh “người già cũng biết thay đổi tư duy”, ông không chỉ chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất mà còn trực tiếp livestream giới thiệu các giống lúa mùa đang trồng tại Lúa mùa Tư Việt.
Trải qua thời gian, hiện nay, kỹ sư Lê Văn Việt đã và đang tiếp tục xây dựng, phát triển trang trại bảo tồn văn hoá Lúa mùa Tư Việt kết hợp farm schooling cho học sinh, sinh viên và những người muốn tìm hiểu về văn hoá lúa mùa xưa. Ông cũng là tác giả của 2 cuốn sách đã xuất bản: Đời sống lúa mùa ở quê tôi và Minh Lương-Cù Là quê hương tôi; và cuốn Thương lắm lúa mùa ơi (sắp xuất bản).
Như Yến